Loading


Thông báo 58/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 58/TB-VPCP
Ngày ban hành 19/02/2024
Ngày có hiệu lực 19/02/2024
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Thị Thu Vân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 156/2018/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP

Ngày 16 tháng 02 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận, chỉ đạo như sau:

1. Về thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Xây dựng và các cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung; một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, trong đó tập trung bổ sung quy định về việc tạm sử dụng rừng để triển khai ngay các công trình xây dựng tạm phục vụ thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối và các dự án tạo nguồn điện và lưới điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024, ban hành Nghị định trước ngày 28 tháng 02 năm 2024.

2. Về các nội dung khác tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các vấn đề còn lại của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP theo hướng sau:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ rà soát, thống nhất các nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đảm bảo tiến độ, chất lượng, trình tự, thủ tục theo đúng quy định hiện hành, trình Chính phủ xem xét trước ngày 01 tháng 4 năm 2024, trong đó lưu ý:

- Về thời điểm quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát kỹ cơ sở pháp lý, yêu cầu về thông tin, số liệu, thành phần hồ sơ và nội dung quyết định chủ trương chuyên mục đích sử dụng rừng, đảm bảo khả thi, thống nhất với quy định trong hệ thống pháp luật về quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để triển khai các dự án đầu tư, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án, nhất là các dự án dạng tuyến (dự án giao thông, dự án lưới điện,...), khắc phục bất cập của khoản 4 điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

- Về nội hàm “Môi trường rừng”, “Thuê môi trường rừng”: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thiện quy định về “Môi trường rừng”, “Thuê môi trường rừng”, đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai và quy định có liên quan.

- Về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thiện quy định theo nguyên tắc các hoạt động xây dựng công trình phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến quản lý xây dựng công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định của pháp luật về xây dựng.

- Về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh: Đây là vấn đề mới, phức tạp, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ; việc thí điểm và một số nội dung trong dự thảo không thuộc phạm vi quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp.... Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển thị trường các - bon theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, ý kiến của Bộ Công an tại văn bản số 190/BC-BCA-ANCTNB ngày 25 tháng 01 năm 2024; không quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Trường hợp cần thiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ xem xét ban hành Nghị định riêng về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo đúng quy định, trên cơ sở sơ kết kết quả thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và kinh nghiệm quốc tế.

- Về đề xuất quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác:

Theo quy định tại Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017), việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được phân cấp cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở cấp trung ương được thực hiện chủ yếu thông qua việc xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về lâm nghiệp và sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để; tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với các nhiệm vụ được giao; cấp thẩm định, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình; cân đẩy mạnh chuyển từ cơ chế “tiền kiểm sang hậu kiểm”; báo cáo thật rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục về lý do cần phải lấy ý kiến, nội dung cần cho ý kiến và thời hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có văn bản trả lời địa phương đối với quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, không để phát sinh thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

- Bổ sung các công cụ và quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan trung ương và địa phương trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp nói chung và việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nói riêng, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành.

3. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ thông báo để cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP;
- Các Bộ: NNPTNT, TP, KHĐT, TC, CT, XD, TNMT;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ: NN, CN, KTTH, PL, Cục KSTT;
- Lưu: VT, NN.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

4