Loading


Thông báo 585/TB-VPCP năm 2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 585/TB-VPCP
Ngày ban hành 19/12/2017
Ngày có hiệu lực 19/12/2017
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 585/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC SƠ KẾT 05 NĂM THI HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012

Ngày 06 tháng 12 năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, cơ quan, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến tham gia của các đại biểu Trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao các Bộ, cơ quan, địa phương đã chuẩn bị Hội nghị rất chu đáo, tích cực, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 84/TB-VPCP ngày 17 tháng 02 năm 2017 và Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức sơ kết tình hình thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ giao Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sơ kết, nhằm đánh giá thực trạng của khu vực kinh tế tập thể sau 05 năm thi hành Luật hợp tác xã, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về hợp tác xã nhằm phát huy hiệu quả đổi mới, phát triển khu vực kinh tế tập thể.

2. Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong 05 thành phần kinh tế đã được Đảng và Nhà nước xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng lần thứ IX lần đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương về kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18 tháng 3 năm 2002) và đến Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII tiếp tục khẳng định chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Trải qua các giai đoạn phát triển, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được điều chỉnh bởi Luật Hợp tác xã năm 1996, năm 2003 và năm 2012. Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012, chính thức có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2013 trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm phổ biến quốc tế và phù hợp với xu hướng mới phát triển hợp tác xã ở nước ta, đã tạo ra khung pháp luật cơ bản phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển hợp tác xã. Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với trọng điểm là hoàn thiện các yếu tố đất đai, tín dụng, vốn, thị trường. Đây là nơi hoạt động của các chủ thể: doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Nghị quyết Trung ương V khóa IX, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể, Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về hợp tác xã, các luật chuyên ngành và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và đẩy mạnh thi hành Luật hợp tác xã năm 2012 cũng đề cập đến vấn đề phát triển hợp tác xã; hệ thống pháp luật nhà nước ta đang hoàn thiện theo Hiến pháp 2013 trong khi Luật Hợp tác xã được ban hành trước đó nên cần phải rà soát, xem xét lại theo tinh thần của Hiến pháp và các luật khác có liên quan, chính vì vậy mà việc sơ kết Luật Hợp tác năm 2012 xã đặt ra hiện nay rất cần thiết, là yêu cầu thực tế khách quan của quá trình đổi mới, phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

3. Trong những năm qua, cùng với doanh nghiệp nói chung, hợp tác xã là một chủ thể quan trọng, được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến. Sau gần 05 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển phong trào hợp tác xã toàn quốc. Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước có khoảng 19.569 hợp tác xã, giai đoạn 2013-2016, đã có 5.641 hợp tác xã thành lập mới; đến nay đã có 30% số hợp tác xã trên cả nước hoạt động có hiệu quả (năm 2012 có 10 % hợp tác xã làm ăn có hiệu quả), doanh thu và thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 05 năm qua trên 4%, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng.

Để đạt được các kết quả trên là sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, cộng đồng hợp tác xã, người dân để triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng các hợp tác xã đã tự nỗ lực vươn lên, hoạt động từng bước ổn định, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như: hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào - Lâm Đồng, hợp tác xã bò sữa - Sóc Trăng, hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền - Lào Cai, Hợp tác xã Mường Động - Hòa Bình... là những mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả cần được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế và hơn hết là bản thân các hợp tác xã vẫn còn yếu kém kéo dài, cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý; các hợp tác xã còn bộc lộ tính không đồng bộ giữa mục tiêu và nội dung hoạt động kinh tế - xã hội; trình độ tổ chức, năng lực quản lý trong các hợp tác xã nhìn chung còn yếu; hoạt động của các hợp tác xã còn thiếu gắn bó với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về mặt kinh tế, xã hội và tổ chức.

II. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế của thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 trong giai đoạn vừa qua, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương trong giai đoạn 2018-2020 lưu ý thực hiện một số định hướng, giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về pháp luật hợp tác xã cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Hợp tác xã năm 2012; vai trò và lợi ích của tổ chức hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên san, chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã.

2. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012 (như công nợ, tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, chế tài xử lý vi phạm Luật...) cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi giai đoạn phát triển, Chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hợp tác xã không đăng ký và tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; các hợp tác xã giải thể nhưng vướng mắc về công nợ, vốn góp, không để các hợp tác xã tồn tại hình thức.

3. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển Hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 2261/QĐ-TTg).

4. Tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhân tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

5. Tăng cường, đẩy mạnh việc quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện); kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương; bổ sung vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở trung ương; xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho phát triển hợp tác xã; xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát các nội dung Quyết định số 2261/QĐ-TTg đảm bảo hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

- Nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi các hợp tác xã sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác; hướng dẫn định mức và thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg; xây dựng hướng dẫn tiêu chí phân loại hợp tác xã để thực hiện thống nhất trên cả nước.

- Xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về hợp tác xã và đăng ký trực tuyến, trong đó có sự liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế để thống nhất, minh bạch quy trình đăng ký hợp tác xã.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, bố trí thành dòng riêng để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã.

- Tổ chức diễn đàn kinh tế hợp tác hàng năm.

- Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 (quý I-2018).

2. Bộ Tài chính:

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã để tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã phát triển; đề xuất phương án xử lý nợ (nợ thuế, nợ ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, nợ doanh nghiệp nhà nước...) của hợp tác xã ngừng hoạt động, tạo cơ sở cho việc giải thể, chuyển đổi.

- Hướng dẫn xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; quy định về đánh giá và thanh lý tài sản không chia của hợp tác xã trong trường hợp tài sản hư hỏng, không còn khả năng sử dụng.

- Chủ trì, phối hợp với Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn việc kiểm toán hợp tác xã theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật hợp tác xã năm 2012; trình Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương; Nghị định bảo hiểm nông nghiệp.

[...]
1