Loading


Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/2008/TT-BTP
Ngày ban hành 02/06/2008
Ngày có hiệu lực 09/07/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hoàng Thế Liên
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 01/2008/TT-BTP

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/NĐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Để bảo đảm thực hiện thống nhất các quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:

1. Thời hạn giải quyết các việc hộ tịch

Thời hạn giải quyết các việc hộ tịch quy định tại: Khoản 2 Điều 18, Khoản 2 Điều 27, Khoản 2 Điều 30, Khoản 3 Điều 31, Khoản 2 Điều 34, Khoản 2 Điều 38, Khoản 2 Điều 45, Khoản 2 Điều 48, Khoản 2 Điều 59 và Khoản 1 Điều 67 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (sau đây gọi là Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) được tính theo ngày làm việc.

2. Giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch

a) Đối với những việc đăng ký hộ tịch không giải quyết ngay trong ngày, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ ngày gửi trả kết quả cho đương sự.

b) Khi thụ lý hồ sơ đăng ký hộ tịch, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần lưu ý:

- Trường hợp không đúng thẩm quyền, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn đương sự liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết;

- Trường hợp hồ sơ đăng ký hộ tịch còn thiếu hoặc không hợp lệ, thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy hướng dẫn đương sự. Nội dung hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng từng loại giấy tờ cần bổ sung, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho đương sự. Thời hạn giải quyết được tính từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ.

c) Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch, thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký. Việc từ chối phải thông báo bằng văn bản cho đương sự. Văn bản từ chối phải nêu rõ lý do từ chối, có chữ ký của người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch và đóng dấu của cơ quan đăng ký hộ tịch.

3. Việc ghi tên địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch

Khi có sự thay đổi về địa danh hành chính, thì phần ghi về địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch được thực hiện như sau:

a) Khi đăng ký sự kiện hộ tịch (đăng ký đúng hạn, đăng ký quá hạn, đăng ký lại), phần ghi về địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch và sổ hộ tịch được ghi theo địa danh hành chính mới.

b) Khi cấp lại bản chính Giấy khai sinh, phần ghi về địa danh hành chính trong nội dung của Giấy khai sinh được ghi theo địa danh hành chính đã ghi trong Sổ đăng ký khai sinh; phần ghi về địa danh hành chính tại góc trái, phía trên của Giấy khai sinh được ghi theo địa danh hành chính mới.

c) Khi cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, phần ghi về địa danh hành chính trong giấy tờ hộ tịch (kể cả góc trái, phía trên và nội dung của giấy tờ hộ tịch) phải được ghi theo địa danh hành chính đã ghi trong sổ hộ tịch.

4. Thu hồi và hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch

a) Đối với những giấy tờ hộ tịch được cấp trước ngày 01 tháng 4 năm 2006 (ngày Nghị định số 158/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), nay phát hiện trái với quy định của pháp luật về hộ tịch tại thời điểm đăng ký, thì việc thu hồi và hủy bỏ cũng được thực hiện theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP; trừ việc đăng ký kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (việc hủy đăng ký kết hôn trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân).

b) Cơ quan ra quyết định thu hồi, hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã đăng ký hộ tịch để ghi chú trong sổ hộ tịch, đồng thời thông báo cho đương sự biết.

1. Đăng ký khai sinh

a) Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi người mẹ cư trú

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã), nơi người mẹ đăng ký thường trú; trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú, thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.

Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em (Ví dụ: chị T đăng ký thường trú tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhưng làm việc ổn định và sinh con tại nơi đăng ký tạm trú là phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, thì Uỷ ban nhân dân phường Tân Tạo cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con của chị T). Trong trường hợp này, Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”.

b) Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 96 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thì các quy định về đăng ký khai sinh tại Mục 1 Chương II của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP cũng được áp dụng để đăng ký khai sinh cho các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 96 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho các trường hợp này được xác định như sau:

- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ hoặc người cha cư trú trong thời gian ở Việt Nam.

- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

- Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha. Thẩm quyền đăng ký khai sinh theo nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha được xác định như đối với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

[...]
13
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ