Loading


Thông tư 02/2013/TT-UBDT hướng dẫn Quyết định 54/2012/QĐ-TTg chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 02/2013/TT-UBDT
Ngày ban hành 24/06/2013
Ngày có hiệu lực 08/08/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Giàng Seo Phử
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2013/TT-UBDT

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU QUYẾT ĐỊNH SỐ 54/2012/QĐ-TTG NGÀY 4 THÁNG 12 NĂM 2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHÍNH SÁCH CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2012-2015

Căn cứ Nghị định số 84/2012/NĐ-CP ngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc;

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định 54/2012/QĐ-TTg),

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Hộ dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Điều 1 Quyết định 54/2012/QĐ-TTg phải có đầy đủ các tiêu chí sau:

1. Cư trú hợp pháp, ổn định ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007, Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 30/6/2009, Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 01/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định bổ sung danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp không xác định được nơi cư trú của hộ thì nơi cư trú của hộ là nơi hộ đang sinh sống và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn.

2. Là hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn và từ 250.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị.

Đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách mà có quy định riêng về chuẩn nghèo ở mức cao hơn, thì áp dụng tiêu chí hộ có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống theo chuẩn nghèo của địa phương đó quy định.

3. Có phương án sử dụng vốn vay do chủ hộ lập, có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của chủ hộ; trường hợp những hộ không tự lập được phương án thì một trong các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn, cùng với hộ để lập phương án.

Điều 2. Mức cho vay

1. Các hộ thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này có nhu cầu vay vốn mức cao hơn quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, mà chưa được vay vốn theo chính sách cho vay hộ nghèo, thì được xét cho vay với mức cao hơn. Số tiền vay tăng thêm so với mức quy định nêu trên áp dụng theo chính sách cho vay hộ nghèo.

2. Các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã được vay vốn theo chính sách cho vay hộ nghèo, mà đã trả nợ một phần hoặc chưa trả được nợ do gặp khó khăn tài chính tạm thời, nếu có nhu cầu vay thì được xét cho vay vốn theo chính sách quy định tại Quyết định 54/2012/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 3. Trình tự, thủ tục xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách

1. Hàng năm, ngày sau khi có kết quả phê duyệt danh sách hộ nghèo, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các thôn tổ chức cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đăng ký vay vốn. Thời gian hoàn thành: Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Trưởng thôn tập hợp danh sách đăng ký vay vốn; chủ trì, phối hợp với đại diện các tổ chức chính trị - xã hội tại thôn, có sự tham gia của đại diện một số hộ gia đình trong danh sách tổ chức họp bình xét, phân loại các hộ thuộc đối tượng được vay vốn, ưu tiên những hộ khó khăn hơn và những hộ chưa được vay theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg) được vay vốn trước. Việc họp bình xét được lập thành biên bản, có chữ ký xác nhận của trưởng thôn, đại diện hộ gia đình và các tổ chức chính trị - xã hội tại thôn. Thời gian hoàn thành: Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày các hộ đăng ký vay vốn.

3. Trưởng thôn lập danh sách hộ đề nghị được vay vốn theo thứ tự ưu tiên đã họp bình xét tại khoản 2 Điều này, kèm theo Biên bản họp bình xét gửi Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian hoàn thành: Trong 01 ngày làm việc, kể từ ngày họp bình xét.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng hợp, xác nhận danh sách các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đề nghị được vay vốn theo thứ tự ưu tiên của xã, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Thời gian hoàn thành: Trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các thôn.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định phê duyệt danh sách hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn theo thứ tự ưu tiên; chuyển danh sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội để tiến hành cho vay theo đúng thứ tự ưu tiên tại danh sách và tuân thủ quy trình, thủ tục do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định. Đồng thời gửi danh sách đã phê duyệt cho Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo tới các hộ được xét cho vay vốn. Thời gian xem xét phê duyệt là 12 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của các xã, phường, thị trấn.

Các hộ có trong danh sách đã được phê duyệt liên hệ trực tiếp với tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn nơi cư trú để làm thủ tục vay vốn.

Điều 4. Kinh phí quản lý

Hàng năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào điều kiện cụ thể chủ động bố trí kinh phí quản lý thực hiện chính sách từ ngân sách địa phương. Kinh phí quản lý được giao cho đơn vị thường trực (Cơ quan công tác Dân tộc cấp tỉnh) để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách trên địa bàn.

Điều 5. Công tác xây dựng kế hoạch, chế độ báo cáo và tổng kết thực hiện chính sách.

1. Lập kế hoạch

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt kế hoạch và nhu cầu vốn thực hiện Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của cả giai đoạn 2012 - 2015 gửi Ủy ban Dân tộc đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội trước 15 tháng 8 năm 2013, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Căn cứ kế hoạch cả giai đoạn và tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức hiện chính sách trên địa bàn.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ