Loading


Thông tư 07/2023/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và Nghị định 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 07/2023/TT-BQP
Ngày ban hành 27/01/2023
Ngày có hiệu lực 14/03/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Võ Minh Lương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

BỘ QUỐC PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2023/TT-BQP

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 120/2013/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 10 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/2022/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2022 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU; QUẢN LÝ BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA; TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu;

Căn cứ Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (sau đây viết gọn là Nghị định số 120/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện khoản 1, khoản 2 Điều 4; Điều 6; khoản 2 Điều 7; điểm a khoản 2 Điều 11; Điều 12; điểm a, điểm b khoản 2 Điều 23; khoản 1 Điều 30 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 24, khoản 26, khoản 27, khoản 28 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP và quy định bổ sung tại khoản 13, khoản 16, khoản 17, khoản 18, khoản 19 và khoản 46 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quốc phòng, cơ yếu trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Điều 3. Xác định mức tiền phạt trong các trường hợp cụ thể

1. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

2. Xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC XỬ PHẠT, BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, CƠ YẾU

Điều 4. “Lý do chính đáng” quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 12, khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. “Lý do chính đáng” là một trong các trường hợp sau:

a) Người phải thực hiện việc kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (sau đây viết gọn là người thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng bị ốm đau, tai nạn hoặc trên đường đi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự, gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ hoặc cha chồng, mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này chết nhưng chưa tổ chức tang lễ hoặc tang lễ chưa kết thúc.

d) Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại điểm b khoản này nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

đ) Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; hoặc có nhận được lệnh, nhưng trong lệnh không ghi rõ thời gian, địa điểm do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở được quy định tại Điều 7 Thông tư này.

2. Trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã điều trị hoặc trạm y tế cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú; trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Điều 5. Hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP

1. Hành vi “Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP là việc công dân không trực tiếp đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã để đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự (sau đây viết gọn là Nghị định số 13/2016/NĐ-CP).

[...]
14