Loading


Thông tư 07-TC/TCT năm 1991 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định 06-HĐBT 1991 về thuế tài nguyên do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 07-TC/TCT
Ngày ban hành 07/02/1991
Ngày có hiệu lực 01/01/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TC/TCT

Hà Nội, ngày 07 tháng 2 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 07-TC/TCT NGÀY 702-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 06-HĐBT NGÀY 7-1-1991 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ THUẾ TÀI NGUYÊN

Thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30-3-1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị định số 06-HĐBT ngày 7-1-1991 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Để thực hiện thống nhất trong cả nước, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định số 06-HĐBT của Hội đồng Bộ truởng về thuế tài nguyên như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG NỘP VÀ TÍNH THUẾ

1- Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế không phân biệt ngành, nghề, hình thức khai thác, có địa điểm cố định hay lưu động, hoạt động thường xuyên hay không thường xuyên, tổ chức cá nhân trong nước hay nước ngoài, có khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là đối tượng nộp thuế tài nguyên.

Tất cả các tài nguyên thiên nhiên là đối tượng tính thuế tài nguyên.

2- Không phải nộp thuế tài nguyên trong các trường hợp sau đây:

a) Các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam hiện ddang cư trú trong nước thuộc các thành phần kinh tế:

- Khai thác sản phẩm rừng tự nhiên thực hiện nộp tiền nuôi rừng theo quyết định số 116-HĐBT ngày 20-7-1988 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 27-TT/LB ngày 30-11-1988 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính cho đến khi có văn bản của Nhà nước quy định phải nộp thuế tài nguyên.

- Khai thác nguồn nước tự nhiên phụ vụ sản xuất, sinh hoạt đời sống.

Riêng nước dùng để sản xuất thuỷ điện phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Pháp lệnh thuế tài nguyên..

b) Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm xí nghiệp liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài) thì những hợp đồng hợp tác kinh doanh ký sau ngày Pháp lệnh thuế tài nguyên. có hiệu lực thi hành, hoặc các hợp đồng hợp tác kinh doanh đã ký từ ngày Pháp lệnh thuế tài nguyên. có hiệu lực thi hành trở về trước nhưng chưa quy định mức thu tiền tài nguyên trong giấy phép đầu tư, thì khi khai thác tài nguyên phải nộp thuế tài nguyên theo quy định của Điều 29 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30-6-1990, và Pháp lệnh thuế tài nguyên.

3- Bên Việt Nam tham gia xí nghiệp liên doanh với bên nước ngoài, góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên ghi trong hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư chuẩn y, thì khi khai thác tài nguyên định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm, bên Việt Nam phải lập bảng kê khai số lượng tài nguyên khai thác, số thuế tài nguyên phát sinh đã góp vốn, có sự kiểm tra xác nhận của cơ quan thuế địa phương, báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để thực hiện các thủ tục ghi số vốn NSNN của bên Việt Nam đã góp vào xí nghiệp liên doanh; đồng thời bên Việt Nam phải kế toán theo dõi tiền thuế tài nguyên đã góp vốn, ghi tăng nguồn vốn NSNN cấp và phải thực hiện đúng chế độ quản lý vốn hiện hành của Nhà nước.

4- Trường hợp bên nước ngoài và bên Việt Nam hợp đồng liên doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sản phẩm quy định tại Điều 4 Nghị định số 06-HĐBT ngày 7-1-1991 của Hội đồng Bộ trưởng, thì số thuế tài nguyên của xí nghiệp liên doanh phải xác định trước khi chia sản phẩm và chuyển gộp vào phần sản phẩm bên Việt Nam được hưởng, bên Việt Nam phải thực hiện đầy đủ những quy định về kê khai, đăng ký, nộp thuế tài nguyên vào NSNN cho toàn bộ số tài nguyên do xí nghiệp liên doanh khai thác theo quy định tại các điều 8, 9 Pháp lệnh thuế tài nguyên.; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại các điều 15, 16, 17 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

II- CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ

Căn cứ tính thuế tài nguyên là số lượng tài nguyên khai thác, giá tính thuế đơn vị tài nguyên nguyên khai và thuế suất; công thức tính thuế tài nguyên đối với từng loại tài nguyên là:

Thuế tài nguyên

=

Số lượng tài nguyên khai thác

´

Giá tính thuế đơn vị tài nguyên

´

Thuê suất

1- Số lượng tài nguyên khai thác xác định như sau:

a) Đối với loại tài nguyên nguyên khai thác trực tiếp bán ra hoặc tiếp tục chế biến mà xác định được số lượng của từng loại tài nguyên ở giai đoạn khai thác thì số lượng tài nguyên tính thuế là số lượng (hoặc trọng lượng, khối lượng) của từng tài nguyên nguyên khai thác trong kỳ, không phân biệt mục đích sử dụng (bán ra, tiêu dùng nội bộ hoặc dự trữ v.v...).

Ví dụ: Một xí nghiệp khai thác quặng, trong tháng khai thác 500 tấn quặng thiết, bán ra 300 tấn, dùng vào sản xuất tại xí nghiệp 100 tấn. Số lượng quặng thiết tính thuế tài nguyên tháng đó là 500 tấn.

b) Loại tài nguyên nguyên khai có chứa nhiều chất khác nhau, hàm lượng tạp chất lớn, không xác định được số lượng của từng tài nguyên ở thể nguyên khai, thì số lượng tài nguyên tính thuế là số lượng từng chất đã qua giai đoạn sơ tuyển phân loại để loại bỏ tạp chất. Ví dụ: Một xí nghiệp trong kỳ phải sàng tuyển hàng ngàn m3 đất đá, nước (không thể cân, đo được), được 2 kg vàng cốm, 100 tấn quặng sắt... thì thuế tài nguyên tính trên số lượng 2 kg vàng cốm và 100 tấn quặng sắt.

c) Tài nguyên do đơn vị tự khai thác để dùng trong quy trình sản xuất khép kín không xác định được số lượng tài nguyên khai thác, thì số lượng tài nguyên tính thuế là mức tiêu hao tài nguyên và mức dự trữ cần thiết cho sản xuất sản phẩm có sử dụng tài nguyên đó. Các mức tiêu hao và mức dự trữ cần thiết phải dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật Nhà nước hoặc ngành chủ quản quy định, hoặc thực tế tiêu hao bình quân qua các năm của đơn vị.

Ví dụ: Số lượng nước tính thuế trong sản xuất thuỷ điện là số m3 nước tiêu hao vào sản xuất thuỷ điện trong kỳ và mức nước (m3) dự trữ cần thiết để máy phát điện hoạt động bình thường.

d) Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thủ công, phân tán, không thường xuyên, điều kiện khai thác lưu động, khó khăn trong việc quản lý kết quả khai thác, thì có thể thực hiện khoán số lượng tài nguyên khai thác. Mức khoán xác định hàng năm hoặc từng mà mùa svụ, riêng đối với một số loại tài nguyên điều kiện khai thác khó khăn, yêu cầu phải khuyến khích khai thác để tăng sản phẩm cho xã hội thì mức khoán có thể ổn định từ 3 - 5 năm. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ liên quan quy định danh mục những hoạt động khai thác và loại tài nguyên được vận dụng hình thức khoán ổn định từ 3 - 5 năm.

2- Giá tính thuế:

Về nguyên tắc, giá tính thuế tài nguyên là giá bán thực tế bình quân tài nguyên nguyên khai của người khai thác tài nguyên ở thời điểm tính thuế tài nguyên.

a) Tài nguyên tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, giá tính thuế là giá bán thực tế của từng tài nguyên nguyên khai ở thời điểm tính thuế tài nguyên. Đối với tài nguyên khai thác theo mùa vụ thì giá tính thuế là giá bán thực tế bình quân trong mùa vụ đó.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ