Loading


Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 10/2023/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 28/04/2023
Ngày có hiệu lực 13/06/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Hoàng Minh Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2023/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2023

 

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ 03/2022/TT-BGDĐT NGÀY 18/01/2022 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CHỈ TIÊU TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ VÀ CHỈ TIÊU TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 như sau:

“1. Thông tư này quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, bao gồm cả chỉ tiêu của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có sử dụng chung các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong xác định chỉ tiêu.”

2. Sửa đổi bổ sung khoản 4 và bổ sung khoản 8 và khoản 9 vào Điều 3 như sau:

“4. Lĩnh vực đào tạo là tập hợp một số nhóm ngành đào tạo có những đặc điểm chung về chuyên môn hoặc nghề nghiệp theo phân loại trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp II thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân (quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

8. Chỉ tiêu tuyển sinh là số lượng người học dự kiến tuyển sinh do cơ sở đào tạo công bố sau khi tự xác định hoặc sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo theo quy định tại Thông tư này.

9. Năng lực đào tạo của một ngành, lĩnh vực đào tạo là quy mô đào tạo tối đa của ngành, lĩnh vực, được xác định căn cứ các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 và khoản 7 Điều 4 như sau:

“3. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của lĩnh vực không vượt quá năng lực đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo thực tế của ngành không vượt quá năng lực đào tạo.

4. Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp (đối với đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, đại học), kết quả kiểm định cơ sở đào tạo và kết quả tuyển sinh của năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của cơ sở đào tạo, cụ thể:

a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định phù hợp với năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo theo quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Thông tư này;

b) Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực (đối với chỉ tiêu đại học) hoặc theo từng ngành (đối với chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ) không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo theo quy định nhưng ở thời điểm công bố chỉ tiêu tuyển sinh không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo còn thời hạn, trừ trường hợp cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

c) Chỉ tiêu tuyển sinh đại học của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%, trừ trường hợp ngành đào tạo có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được tính chỉ tiêu riêng.

7. Đối với các ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này. Sau khi gọi thí sinh nhập học đợt 1 theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ kết quả nhập học thực tế, cơ sở đào tạo rà soát, đề xuất và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu đối với từng ngành không quá 20% đồng thời bảo đảm không thay đổi tổng chỉ tiêu đào tạo giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo. Đối với chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học theo hình thức vừa làm vừa học và chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ tiến sĩ của các ngành đào tạo giáo viên, cơ sở đào tạo tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:

“Điều 5. Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo

1. Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Đối với các đại học, một giảng viên có thể được sắp xếp vào một hoặc nhiều đơn vị đào tạo thuộc, trực thuộc đại học với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo.

2. Quy định về giảng viên trong xác định năng lực đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng:

a) Tổng số giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo (trừ nhóm ngành Đào tạo giáo viên) bao gồm số giảng viên toàn thời gian quy đổi và giảng viên thỉnh giảng quy đổi tương ứng của lĩnh vực đào tạo đó; tổng số giảng viên quy đổi theo ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên là số giảng viên toàn thời gian quy đổi của ngành đào tạo đó (giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh);

b) Số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo. Riêng các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này), số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 40% số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo;

[...]
4