Loading


Thông tư 100/2001/TT-BTC hướng dẫn Chỉ thị 21/2001/CT-TTg về việc sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp do Ngân sách nhà nước cấp để mua tài sản, vật tư, trang thiết bị do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 100/2001/TT-BTC
Ngày ban hành 07/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/10/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/2001/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2001

 

THÔNG TƯ

Căn cứ Chỉ thị số 21/2001/CT-TTg ngày 11/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng ngân sách Nhà nước mua tài sản, vật tư, trang thiết bị xây dựng trụ sở cơ quan và phục vụ công tác quản lý hành chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị từ nguồn kinh phí hành chính, sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp như sau:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) khi sử dụng nguồn kinh phí hành chính, sự nghiệp được cấp từ ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị( sau đây gọi tắt là hàng hoá) thì phải mua từ các nguồn hàng được sản xuất trong nước( trừ trường hợp các loại hàng hoá mà hiện tại trong nước chưa sản xuất được).

2. Hàng hoá được sản xuất trong nước theo qui định tại Thông tư này được hiểu là những loại hàng hoá do các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế sản xuất, gia công hoặc lắp ráp trên lãnh thổ Việt nam.

3. Những qui định tại Thông tư này không áp dụng đối với những trường hợp mua sắm hàng hoá sau đây:

- Mua sắm hàng hoá để xây dựng trụ sở cơ quan từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản do ngân sách nhà nước cấp ( có văn bản hướng dẫn riêng).

- Mua sắm hàng hoá từ các nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

- Mua sắm hàng hoá theo qui định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

- Mua sắm hàng hoá được qui định trong các hiệp định hoặc thoả thuận ký kết với nước ngoài.

4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực tiếp mua sắm:

- Khi thực hiện việc mua sắm hàng hoá, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải phê duyệt danh mục các loại hàng hoá cần mua sắm. Không đưa vào danh mục hàng hoá các loại hàng hoá nhập ngoại mà trong nước đã sản xuất được.

- Trường hợp đặc biệt, hàng hoá cần mua sắm là loại hàng hoá trong nước đã sản xuất được0 nhưng cần thiết phải mua hàng nhập ngoại, cơ quan, đơn vị phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm 5.1 dưới đây.

- Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ quản lý sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ trong việc sử dụng các khoản kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước để mua sắm hàng hoá. Chứng từ chi mua sắm hàng hoá phải phản ánh đầy đủ các tiêu thức: Tên hàng hoá, nhãn hiệu hàng hoá, hàng hoá sản xuất trong nước hay là hàng hoá nhập ngoại.

- Những trường hợp mua sắm theo qui định phải đấu thầu thì thực hiện theo qui định tại Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu; Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và các Thông tư hướng dẫn hiện hành.

5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị của các Tổng Công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập có trách nhiệm:

5.1. Phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt đề nghị của các cơ quan, đơn vị trực thuộc về việc mua sắm các loại hàng hoá nhập ngoại mà trong nước đã sản xuất được.

5.2. Ban hành các quy định cụ thể để hạn chế tối đa việc mua sắm các loại hàng hoá nhập ngoại mà trong nước đã sản xuất được từ các nguồn vay nợ, viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn khác.

5.3. Chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện Chỉ thị số 21/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này tại các đơn vị trực thuộc. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

5.4. Hàng năm chịu trách nhiệm tổng hợp và gửi báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 21/2001/CT-TTg ngày 11/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ( theo mẫu đính kèm).

6. Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước các cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách đảm bảo theo qui định. Trong trường hợp phát hiện cơ quan, đơn vị không thực hiện theo đúng qui định tại Thông tư này, thực hiện việc đình chỉ thanh toán hoặc xuất toán, thu hồi nộp trả ngân sách nhà nước.

7. Đối với những hợp đồng mua sắm hàng hoá nhập ngoại đã được ký kết trước ngày 01/10/2001 thì được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.

Đối với những gói thầu đã tổ chức đấu thầu trước ngày 01/10/2001 và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu hoặc đang chờ phê duyệt kết quả đấu thầu thì được tiếp tục thực hiện theo kết quả đấu thầu được duyệt.

Đối với những gói thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu và đã thông báo mời thầu trước ngày 01/10/2001 thì được tiếp tục thực hiện theo dự toán và hồ sơ mời thầu đã được duyệt.

8. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2001.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ