Loading


Thông tư 105/2000/TT-BTC hướng dẫn việc miễn nộp nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất từ năm 1999 trở về trước do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 105/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 23/10/2000
Ngày có hiệu lực 23/10/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 105/2000/TT-BTC NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC MIỄN NỘP NỢ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP, THUẾ NHÀ ĐẤT TỪ NĂM 1999 TRỞ VỀ TRƯỚC

Căn cứ quyết định số 105/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nộp nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN NỘP NỢ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP (SDĐNN), THUẾ NHÀ ĐẤT TỪ NĂM 1999 TRỞ VỀ TRƯỚC BAO GỒM:

1. Nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN), thuế nhà đất đối với hộ thuộc vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa vùng kinh tế mới, hộ là dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội (hộ thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công giúp đỡ cách mạng....); gia đình bộ đội, thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và các hộ khác có con cái bị ảnh hưởng của di chứng chiến tranh để laị.

2. Nợ thuế của các hộ thuộc các địa phương (huyện, xã) thường xuyên gặp thiên tai trong các năm 1997, 1998, 1999 thuộc diện nghèo không có khả năng nộp số thuế còn tồn đọng.

3. Nợ thuế của các hộ dân cư ở các địa bàn khác không quy định tại điểm 1,2 nêu trên thuộc diện đói nghèo. Hộ bị thiên tai, tai nạn rủi ro, bị bệnh tật kinh niên phải điều trị dài ngày đời sống có nhiều khó khăn chưa có khả năng nộp trả nợ thuế.

4. Nợ thuế của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các tổ chức khác đã giải thể, phá sản, đất đai đã thực hiện giao lại cho các tổ chức hoặc giao cho hộ gia đình khác sử dụng mà các đối tượng này trực tiếp đứng tên trong sổ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.

5. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các tổ chức kinh tế khác chưa bị phá sản, giải thể làm ăn thua lỗ liên tục trong nhiều năm gần đây hoặc bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ đến nay vẫn không có khả năng nộp thuế.

6. Nợ thuế của các hộ dân cư nay đã chuyển đi nơi khác làm ăn không có địa chỉ hoặc đã chết.

II. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG THUỘC DIỆN MIỄN NỘP NỢ THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP (SDĐNN), THUẾ NHÀ ĐẤT TỪ NĂM 1999 TRỞ VỀ TRƯỚC

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ dân cư đã nộp thuế nhưng số thuế bị các tổ chức, cá nhân chiếm dụng, xâm tiêu, tham ô....tiền thuế mà trên sổ bộ thuế vẫn ghi nợ thuế.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hộ dân cư trực tiếp đứng tên trên sổ thuế và trực tiếp nộp thuế cho Nhà nước nhưng do chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế đến nay còn nợ thuế.

Những trường hợp nêu tại điểm 1,2 Mục này Cục thuế tổ chức thống kê theo các nguyên nhân đề xuất các biện pháp xử lý trình UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn Chi cục thực hiện.

III. YÊU CẦU, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN KIỂM TRA PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ NỢ THUẾ:

1. Yêu cầu phân loại xử lý nợ thuế SDĐNN, nhà đất từ năm 1999 trở về trước.

- Việc phân loại nợ thuế phải đúng với số nợ thuế còn ghi nợ trên quyết toán thuế SDĐNN, thuế nhà đất từ năm 1999 trở về trước của các đối tượng, theo các nguyên nhân nêu tại Mục I, II Thông tư này.

- Số nợ thuế SDĐNN, thuế nhà đất từ năm 1999 trở về trước phải được kiểm tra chặt chẽ, đúng đối tượng việc xét duyệt phải theo trình tự các bước từ cơ sở thôn, ấp đến xã, huyện, tỉnh theo quy định dưới đây.

2. Trình tự các bước xử lý nợ thuế.

Bước 1: ở cấp xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là xã) căn cứ vào sổ thuế, quyết toán kết quả thu thuế hàng năm, kết quả thu nợ thuế (theo biên lai thu nợ thuế) tính đến thời điểm xử lý miễn nộp thuế để lập danh sách theo từng đối tượng theo các nguyên nhân nợ thuế quy định tại Mục I Thông tư này. Đội thuế cấp xã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xác định chính xác số nợ thuế SDDNN, thuế nhà đất tính đến hết năm 1999 của từng đơn vị, từng hộ nói trên. Lập danh sách hộ thuộc diện miễn nộp nợ thuế SDĐNN, thuế nhà đất; danh sách này phải niêm yết công khai tại địa điểm thuận tiện của xã để nhân dân biết giám sát và tham gia ý kiến. Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết, cơ quan thuế cấp xã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung danh sách (nếu có) gửi Hội đồng tư vấn thuế xã tham gia ý kiến; Căn cứ vào kết quả đã kiểm tra, phân loại nợ thuế của cơ quan thuế cấp xã, ý kiến tham gia của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã, UBND xã đề nghị danh sách từng hộ thuộc diện được miễn nộp nợ thuế, diện phải thu, phải xử lý gửi Chi cục thuế.

Bước 2: ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (dưới đây gọi chung là huyện) căn cứ vào sổ thuế, quyết toán kết quả thu thuế hàng năm, thực tế quản lý thu thuế ở địa phương và danh sách đề nghị của các xã về nợ thuế SDĐNN, nhà đất; Chi cục thuế thực hiện kiểm tra, xem xét từng trường hợp cụ thể miễn nộp nợ thuế gửi hội đồng tư vấn thuế tham khảo, trình UBND huyện thông qua, sau đó UBND huyện báo cáo Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Bước 3: ở tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (dưới đây gọi chung là tỉnh) Cục thuế căn cứ vào sổ thuế, quyết toán kết quả thu thuế hàng năm, thực tế quản lý thu thuế ở địa phương và hồ sơ đề nghị của các huyện thuộc tỉnh để kiểm tra, tổng hợp (theo mẫu đính kèm Thông tư này); Lấy ý kiến của hội đồng tư vấn thuế và đề nghị UBND tỉnh, thành phố quyết định miễn nộp. Quyết định miễn nộp nợ thuế được phân định theo từng năm; đối với nợ thuế SDĐNN phải phân tích rõ theo loại cây trồng (cây hàng năm, cây lâu năm).

Đối với số nợ thuế của các đối tượng được miễn nộp, chỉ sau khi đã được kiểm tra chặt chẽ và phân loại rõ đối tượng thuộc các trường hợp quy định tại Mục I Thông tư này, UBND tỉnh, thành phố ra quyết định miễn nộp nợ thuế không có khả năng thu được từ năm 1999 trở về trước theo đề nghị của Cục thuế.

Quyết định miễn nộp nợ thuế của các địa phương phải được thực hiện xong trước ngày 31/3/2001. Quyết định được gửi đến từng quận, huyện đồng thời gửi về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để tổng hợp.

Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện chịu trách nhiệm thông báo quyết định cho từng xã tổng số nợ thuế được miễn nộp kèm theo danh sách số nợ thuế được miễn nộp của từng tổ chức, cá nhân, UBND xã chịu trách nhiệm thông báo đến các hộ được miễn nộp nợ thuế đúng với quyết định của UBND huyện và niêm yết công khai danh sách số nợ thuế được miễn nộp cho các hộ tại trụ sở của UBND xã.

Đối với số nợ thuế SDĐNN, thuế nhà đất từ năm 1999 trở về trước của các đối tượng không thuộc diện miễn nộp nêu tại Mục II Thông tư này cơ quan thuế địa phương tiếp tục theo dõi, tích cực đôn đốc các đối tượng nợ thuế nộp các khoản tồn đọng vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp các đối tượng còn nợ thuế từ năm 1999 trở về trước thuộc đối tượng được miễn nộp nợ thuế nhưng trong năm 2000 đã nộp thì số thuế đã nộp được trừ vào số thuế phải nộp của năm 2000, 2001.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

[...]
1