Loading


Thông tư 11/2020/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 11/2020/TT-BTNMT
Ngày ban hành 30/09/2020
Ngày có hiệu lực 30/11/2020
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Thị Phương Hoa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2020/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI TRỌNG LỰC QUỐC GIA

Căn cứ Luật Đo đạc và Bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định kỹ thuật xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc xây dựng mạng lưới trọng lực quốc gia.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Gia tốc lực trọng trường là gia tốc do lực hấp dẫn của trái đất tác động lên một vật trên bề mặt trái đất, đơn vị đo là miliGal (mGal) tương ứng 10-5 m/s2.

2. Đo trọng lực tuyệt đối là phương pháp đo sử dụng phương tiện đo trọng lực tuyệt đối theo nguyên lý con lắc điện tử hoặc buồng rơi chân không để xác định gia tốc lực trọng trường tại một điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất.

3. Đo trọng lực tương đối là phương pháp đo sử dụng phương tiện đo trọng lực tương đối theo nguyên lý lò xo để xác định hiệu gia tốc lực trọng trường theo thời gian giữa hai điểm đo.

4. Hiệu gia tốc lực trọng trường là chênh lệch giá trị gia tốc lực trọng trường giữa hai điểm đo.

5. Đường đáy trọng lực là một tuyến các mốc trọng lực đã được xác định giá trị gia tốc lực trọng trường và hiệu gia tốc lực trọng trường giữa các mốc liền kề, phục vụ cho kiểm định và hiệu chuẩn các phương tiện đo trọng lực tương đối.

6. Gradient đứng là tỷ lệ biến thiên gia tốc lực trọng trường theo đơn vị chiều dài tính theo phương thẳng đứng.

7. Hằng số “C” của phương tiện đo trọng lực tương đối là tỷ lệ vạch chia số đo trên phương tiện đo với giá trị gia tốc lực trọng trường.

8. Dịch chuyển điểm “0” của phương tiện đo trọng lực tương đối là sự thay đổi số đọc của phương tiện đo trọng lực tại một vị trí đo theo thời gian do sự biến dạng của hệ thống đàn hồi, phương tiện đo trọng lực không tỷ lệ thuận với giá trị gia tốc lực trọng trường.

9. “SET đo” là một chu kỳ đo của phương tiện đo trọng lực tuyệt đối để tạo ra một giá trị gia tốc lực trọng trường đo được tại một điểm.

Điều 4. Quy định chung về mạng lưới trọng lực quốc gia

1. Trong mạng lưới trọng lực quốc gia, hệ thống các điểm trọng lực cơ sở được đo bằng phương pháp trọng lực tuyệt đối; mạng lưới các điểm trọng lực hạng I được đo bằng phương pháp trọng lực tương đối hoặc phương pháp trọng lực tuyệt đối; mạng lưới điểm trọng lực hạng II được đo bằng phương pháp trọng lực tương đối.

2. Mạng lưới trọng lực quốc gia được thiết lập và tính toán trong hệ trọng lực quốc gia phù hợp với hệ quy chiếu tọa độ, hệ tọa độ, hệ độ cao quốc gia.

3. Độ chính xác giá trị gia tốc lực trọng trường của mạng lưới trọng lực quốc gia được quy định như sau:

[...]
1