Loading


Thông tư 15/2010/TT-BXD quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 15/2010/TT-BXD
Ngày ban hành 27/08/2010
Ngày có hiệu lực 11/10/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Đình Toàn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2010/TT-BXD

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CẮM MỐC GIỚI VÀ QUẢN LÝ MỐC GIỚI THEO QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009,
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng,
Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 57 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị, triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa và quản lý mốc giới, phục vụ công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị phải tuân theo các quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Tổ chức lập, phê duyệt Hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị và triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa

Sau khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt, UBND các thành phố, thị xã, quận, huyện có trách nhiệm:

1. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị.

2. Triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của mình theo hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.

3. Tổ chức nghiệm thu  và bàn giao cho chính quyền phường, xã, thị trấn có liên quan để tổ chức bảo vệ sau khi hoàn thành căm mốc ngoài thực địa.

4. Hàng năm, phối hợp với chính quyền phường, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, bổ sung, khôi phục các mốc giới bị mất hoặc sai lệch so với hồ sơ cắm mốc giới được phê duyệt.

Điều 3. Các loại mốc giới

Các mốc giới cần cắm ngoài thực địa gồm: mốc tim đường, mốc chỉ giới đường đỏ, mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng theo hồ sơ cắm mốc giới đã được phê duyệt.

1. Mốc tim đường là mốc xác định toạ độ và cao độ vị trí các giao điểm và các điểm chuyển hướng của tim đường, có ký hiệu TĐ.

2. Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.

3. Mốc ranh giới khu vực cấm xây dựng là mốc xác định đường ranh giới khu vực cấm xây dựng, khu bảo tồn, tôn tạo, di tích lịch sử, văn hoá và các khu vực cần bảo vệ khác, có ký hiệu RG.

Điều 4. Yêu cầu về hồ sơ cắm mốc giơí và quy định bản đồ phục vụ lập hồ sơ cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị

1. Hồ sơ cắm mốc giới phải tuân thủ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

2. Hồ sơ cắm mốc giới phải được lập trên bản đồ địa hình dạng số.

3. Ranh giới đo đạc và tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực lập hồ sơ cắm mốc giới:

- Đối với khu vực nội thành, nội thị, hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.

- Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị, hồ sơ cắm mốc giới đồ án quy hoạch chung lập trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/5.000. Hồ sơ cắm mốc giới các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.

Điều 5. Khoảng cách các mốc giới cắm ngoài thực địa

Khoảng cách giữa các mốc giới từ 30 mét trở lên tuỳ thuộc vào địa hình địa mạo khu vực cắm mốc và phải đảm bảo yêu cầu quản lý về ranh giới và cao độ. Trường hợp khoảng cách giữa các mốc giới nhỏ hơn 30 mét thì phải giải trình trong thuyết minh của hồ sơ cắm mốc giới.

Điều 6. Lưu giữ hồ sơ cắm mốc và cung cấp thông tin về mốc giới

[...]
3