Loading


Thông tư 19/2010/TT-BXD hướng dẫn lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 19/2010/TT-BXD
Ngày ban hành 22/10/2010
Ngày có hiệu lực 10/12/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Đình Toàn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 19/2010/TT-BXD

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP QUY CHẾ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị,
Bộ Xây dựng hướng dẫn lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị như sau:

Điều 1. Lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (sau đây gọi tắt là Quy chế) theo hướng dẫn tại các Phụ lục kèm theo Thông tư này gồm:

1. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương: lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo Phụ lục 1.

2. Đối với các thành phố, thị xã trực thuộc thuộc tỉnh: lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo Phụ lục 2.

3. Đối với các đô thị trực thuộc huyện (thị trấn) không thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo Phụ lục 3.

Điều 2. Quy định chung đối với Quy chế:

1. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được lập trên cơ sở phù hợp với quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định hướng phát triển chung của khu vực và toàn đô thị, phù hợp với các quy định tại Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

2. Nội dung quy chế phải kế thừa, phù hợp các quy định hiện hành về kiến trúc, cảnh quan, di sản đô thị. Tùy theo tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương về địa hình, khí hậu, tập quán văn hoá, điều kiện kinh tế, xã hội, quy mô, tính chất của đô thị, nội dung quy chế có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Quy chế này làm cơ sở để xem xét cấp phép xây dựng mới, hoặc cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị; là một căn cứ để xác định việc lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt.

Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2010. Thông tư này thay thế Thông tư số 08/2007/TT-BXD ngày 10/9/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Uỷ ban Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;
- Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp;
- Công báo, website: của Chính phủ, Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, PC, KTQH (05b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Toàn

 

PHỤ LỤC 1

MẪU QUY CHẾ QUẢN LÝ QUY HOẠCH KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ CHO CÁC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2010/TT-BXD ngày 22/10/2010 của Bộ Xây dựng)

YÊU CẦU CHUNG CỦA QUY CHẾ

1. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương: lập Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị (sau đây gọi tắt là Quy chế) chung cho thành phố; đối với khu vực đô thị trung tâm của thành phố, các quận, các thị xã trực thuộc và các thị trấn thuộc huyện của thành phố cần có quy chế riêng; các quy chế riêng phải được lập trên cơ sở tuân thủ và phù hợp với Quy chế chung của thành phố. Nếu quy chế riêng được lập trước thì sau đó cập nhật vào Quy chế chung.

Trong trường hợp có những đối tượng liên quan đến nhiều quận, thị xã như các đại lộ, tuyến đường chính qua thành phố thì phải tuân thủ quy chế chung của thành phố; những đoạn đi qua các quận, thị xã thì tuân thủ quy chế riêng tại khu vực nhưng không trái với quy chế chung.

2. Đối với những khu vực đã có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt thì quy chế được lập trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, đồ án thiết kế đô thị đã được duyệt.

Đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị thì nội dung quy chế áp dụng cho các đối tượng là các nội dung liên quan theo quy định tại Chương II của Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, định hướng phát triển chung đô thị.

3. Quy chế cần phải có bản đồ, sơ đồ minh họa để chỉ dẫn tại các khu vực, giới hạn quản lý.

A. QUY CHẾ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KIẾN TRÚC CHUNG CHO THÀNH PHỐ

Mục tiêu: Quản lý về thực hiện theo đồ án quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan đô thị trên phạm vi toàn thành phố; kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của các cấp chính quyền của thành phố.

Đối tượng và phạm vi áp dụng: Quản lý quy hoạch, kiến trúc trong ranh giới của thành phố; các tổ chức và cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị của thành phố có trách nhiệm thực hiện theo đúng Quy chế này.

[...]
13