Loading


Thông tư 201/TCHQ-GSQL năm 1994 hướng dẫn Quy chế kho ngoại quan ban hành kèm theo Quyết định 104/TTg do Tổng Cục Hải Quan ban hành

Số hiệu 201/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 16/03/1994
Ngày có hiệu lực 16/03/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 201/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 201/TCHQ-GSQL NGÀY 7 THÁNG 11 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN BỔ SUNG QUY CHẾ KHO NGOẠI QUAN BAN HÀNH KÈM THEO QĐ 104/TTG NGÀY 16-3-1994 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Sau hơn một năm thực hiện Thông tư số 533/TCHQ-GQ ngày 26-5-1994 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn thi hành Quy chế kho ngoại quan ban hành theo QĐ 104/TTg ngày 16-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu những ý kiến của các doanh nghiệp và Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Quy chế kho ngoại quan ngày 26-7-1995, Tổng cục Hải quan hướng dẫn bổ sung một số điểm như sau:

1. Bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 533 và văn bản 1184/TCHQ-GQ:

- Hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan không yêu cầu phải có giấy chứng nhận xuất xứ.

- Hàng gửi kho ngoại quan không được bán lẻ dưới hình thức phi mậu dịch cho các đối tượng được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu hoặc tạm nhập miễn thuế nhập khẩu. Trường hợp đặc biệt phải được Tổng cục Hải quan cho phép.

- Hợp đồng thuê kho ngoại quan ngoài hình thức ký từng lần cho từng lô hàng, được ký dưới hình thức hợp đồng thuê bao (thuê một diện tích nhất định trong một thời gian nhất định) và hợp đồng dài hạn (ký để gửi một hay một số mặt hàng với số lượng, trọng lượng cụ thể trong một thời gian nhất định). Trong trường hợp đó, mỗi lần có một lô hàng cụ thể gửi kho ngoại quan, chủ hàng (hoặc đại diện hợp pháp) phải thông báo bằng văn bản cho Hải quan ít nhất 24 giờ trước khi hàng tới cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam (đối với hàng nước ngoài đưa vào kho ngoại quan) hoặc 8 giờ làm việc trước khi đưa vào kho ngoại quan (đối với hàng trong nước đưa vào kho ngoại quan). Sau khi làm xong thủ tục cho đưa hàng vào kho ngoại quan, Hải quan có trách nhiệm ghi trừ lùi vào hợp đồng thuê kho làm cơ sở cho thanh khoản hợp đồng và xử lý các vấn đề phát sinh.

- Hàng hoá từ kho ngoại quan xuất qua cửa khẩu, nếu phải chờ đợi không xuất ngay được thì nhân viên hải quan kho ngoại quan cùng Hải quan cửa khẩu lập biên bản bàn giao hồ sơ và hàng hoá cho Hải quan cửa khẩu giám sát, quản lý tiếp việc xuất hàng. Nếu ở khu vực cửa khẩu biên giới có kho ngoại quan thì hàng hoá đó phải được tạm thời lưu giữ tại kho ngoại quan biên giới trên cơ sở một hợp đồng gửi hàng giữa chủ kho ngoại quan thay mặt chủ hàng và chủ kho ngoại quan cho gửi hàng. Nếu không có kho ngoại quan thì phải tạm gửi vào một địa điểm được Hải quan chấp nhận là nơi tạm lưu giữ hàng xuất, nhập khẩu và phải có sự giám sát chặt chẽ của Hải quan. Sau khi hàng đã thực xuất qua biên giới, Hải quan cửa khẩu biên giới xác nhận thực xuất hàng vào hồ sơ lô hàng, gửi hồ sơ trả lại cho Hải quan kho ngoại quan làm thủ tục ban đầu để thanh khoản. Hải quan cửa khẩu biên giới lưu một tờ khai và một bản kê chi tiết như quy định tại Thông tư 533/TCHQ-GQ.

- Chủ kho ngoại quan được thay mặt chủ hàng làm các thủ tục với Hải quan trên cơ sở một giấy uỷ quyền hợp lệ.

- Hàng gửi kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài phải xuất ra khỏi biên giới trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng thuê kho. Chỉ chủ kho ngoại quan được làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan và ngược lại. Chủ kho ngoại quan phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hoá gửi trong kho cho đến khi hàng thực sự ra khỏi biên giới. Chủ hàng nước ngoài không được tự tổ chức vận chuyển hàng từ cửa khẩu vào kho ngoại quan và ngược lại.

- Hàng hoá gửi kho ngoại quan được vận chuyển ra nước ngoài một cách bình thường. Bãi bỏ hạn chế số lượng từng lần quy định tại CV 1184/TCHQ-GQ ngày 29-5-1995.

- Trong trường hợp gửi cả container, nếu không có gì nghi vấn thì khi kiểm tra, Hải quan chỉ bật nắp kiểm tra xem hàng hoá có phù hợp hợp đồng không mà không cần kiểm tra chi tiết. Sau đó, Hải quan niêm phong, kẹp chì lại, giao cho chủ kho ngoại quan bảo quản.

- Hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đưa từ nước ngoài vào gửi kho ngoại quan (không thuộc diện cấm xuất khẩu, nhập khẩu) chưa yêu cầu phải có hạn ngạch hoặc giấy phép. Nếu sau này chủ hàng không xin được hạn ngạch hoặc giấy phép nhập khẩu thì buộc phải tái xuất hàng đó ra nước ngoài.

- Hình thức của hợp đồng thuê kho ngoại quan và giấy uỷ quyền có thể chấp nhận được đối với cả bản FAX, cả trường hợp chỉ có chữ ký, không có dấu của bên nước ngoài, nhưng phải có xác nhận (ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và dấu) của chủ kho ngoại quan. Chủ kho ngoại quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đó.

2. Tổ chức thực hiện:

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.

Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý về Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ