Loading


Thông tư 22/1999/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 22/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 26/02/1999
Ngày có hiệu lực 13/03/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 22/1999/TT/BTC NGÀY 26 THÁNG 02 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚINGUỒN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI

Thi hành Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 20/3/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 06/1998/QH10 ngày 20/5/1998 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật hiện hành; Nghị định số 87/CP ngày 05/8/1997 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ngày 23/2/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

1- Viện trợ không hoàn lại được quy định trong văn bản này là các khoản trợ giúp không kèm theo điều kiện hoàn trả từ các Chính phủ, các tổ chức phát triển của Liên hợp quốc, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) ở nước ngoài cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hoặc các mục đích nhân đạo khác được thực hiện tại Việt Nam. Bao gồm: sự chuyển giao không phải hoàn lại các tri thức, công nghệ, hàng hoá, tài sản, tiền (ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt nam ) của phía nước ngoài cho phía Việt Nam thông qua các chương trình, dự án hoặc không theo chương trình, dự án nhưng mang tính chất nhân đạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai.

Mọi sự chuyển giao khác không theo quy định trên đều được coi là quà biếu hoặc quà tặng không thuộc đối tượng quản lý hướng dẫn tại Thông tư này.

2- Các Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương phải triển khai việc thẩm định và phê duyệt dự án viện trợ theo đúng trình tự và thẩm quyền quy định tại Nghị định 87-CP ngày 5/8/1997 của Chính phủ và Quyết định 28/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói trên. Đối với các khoản viện trợ phi dự án thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành Trung ương, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trước khi phê duyệt phải có ý kiến tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc người được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền.

3- Viện trợ không hoàn lại là một nguồn thu của ngân sách nhà nước, phải được hạch toán và quản lý theo Luật Ngân sách nhà nước.

4- Bộ Tài chính thống nhất quản lý tài chính nhà nước đối với mọi nguồn viện trợ không hoàn lại, từ khâu tham gia ý kiến về mặt tài chính trong việc xác định chủ trương sử dụng viện trợ, thẩm định dự án, phân bổ nguồn vốn cho các dự án, đến nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý tài chính, thực hiện việc xác nhận viện trợ và hạch toán vào ngân sách; hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các chế độ quản lý tài chính, thẩm tra quyết toán, hướng dẫn bàn giao tài sản, vật tư, tiền vốn của các dự án sau khi kết thúc theo những quy định tại Thông tư này.

- Vụ Tài chính, Kế toán của các Bộ, Ngành có trách nhiệm giúp Thủ trưởng Bộ, Ngành quản lý tài chính đối với toàn bộ các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại do Bộ, Ngành Trung ương tiếp nhận và thực hiện.

- Sở Tài chính Vật giá các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, thành phố quản lý tài chính đối với toàn bộ các chương trình, dự án, các khoản viện trợ không hoàn lại do các đơn vị thuộc địa phương tiếp nhận và thực hiện; giám sát tình hình thực hiện các chương trình, dự án viện trợ Trung ương thực hiện trên địa bàn.

5- Chủ nhiệm các chương trình, Giám đốc các dự án, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đúng các mục tiêu, đối tượng và các cam kết khác đã ghi trong từng chương trình, dự án cũng như chế độ quản lý tài chính hướng dẫn tại Thông tư này.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

A. LẬP VÀ TỔNG HỢP DỰ TOÁN.

Hàng năm, căn cứ Thông tư hướng dẫn lập dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, các văn bản cam kết hoặc thoả thuận và kế hoạch triển khai chương trình, dự án hoặc thông báo phân phối viện trợ của cơ quan chủ quản cho đơn vị, tình hình thực hiện dự án trong năm; các đơn vị hoặc chủ dự án lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng ( nếu có ) cùng với dự toán ngân sách của mình gửi cơ quan chủ quản dự án và cơ quan tài chính đồng cấp:

- Dự án thuộc các Bộ, Ngành gửi Vụ Tài chính Kế toán của Bộ, Ngành.

- Dự án thuộc các Tỉnh, Thành phố gửi Sở Tài chính Vật giá.

Các Bộ, Ngành Trung ương và các Sở Tài chính-Vật giá có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại thuộc phạm vi mình quản lý và nhu cầu vốn đối ứng ( nếu có ) gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong NSNN, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Dự toán về vốn đối ứng được lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/ 1998/ TTLT - BKH - BTC ngày 14/8/1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA ).

Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước về viện trợ không hoàn lại được lập theo Mẫu số 3 đính kèm Thông tư này.

B. THỰC HIỆN TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ HẠCH TOÁN QUA NSNN NGUỒN VIỆN TRỢ

1. Xác nhận viện trợ:

1.1- Các khoản viện trợ không hoàn lại phải làm xác nhận viện trợ bao gồm:

- Hàng hoá, thiết bị phía nước ngoài chuyển giao cho các đơn vị trong nước qua con đường nhập khẩu theo các chương trình, dự án.

- Hàng hoá, thiết bị phía nước ngoài đặt mua trong nước rồi chuyển giao cho các đơn vị theo các chương trình, dự án đã được ký kết.

- Hàng hoá, thiết bị có trong danh mục dự án viện trợ, được mang vào cho chuyên gia sử dụng theo cam kết và sẽ bàn giao lại cho các đơn vị sau khi kết thúc các chương trình, dự án viện trợ.

- Tiền, hàng viện trợ nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp do đơn phương phía nước ngoài gửi cho các tổ chức được tiếp nhận trong nước.

- Ngoại tệ hoặc tiền Việt Nam do phía nước ngoài chuyển giao cho các đơn vị trong nước nhận và trực tiếp sử dụng cho các chương trình, dự án ( bao gồm cả khoản tài trợ cho hoạt động mang tính chất công vụ phí của văn phòng dự án theo mức khoán đã cam kết trong văn kiện dự án).

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ