Loading


Thông tư 24/2021/TT-BGTVT về quản lý, bảo trì công trình hàng không do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 24/2021/TT-BGTVT
Ngày ban hành 22/11/2021
Ngày có hiệu lực 15/01/2022
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Anh Tuấn
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2021/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2021

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH HÀNG KHÔNG

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 28 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không;

Căn cứ Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng không.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý và bảo trì công trình hàng không dân dụng.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quản lý, bảo trì công trình hàng không trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Công trình hàng không là công trình phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, bao gồm:

a) Công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

b) Công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay;

c) Công trình cơ sở hạ tầng của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay.

2. Công trình hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (sau đây gọi là Nghị định số 44/2018/NĐ-CP).

3. Bảo trì công trình hàng không là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình hàng không theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác sử dụng. Nội dung bảo trì công trình hàng không có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình hàng không; bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị để việc khai thác sử dụng công trình hàng không đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình hàng không.

4. Quy trình bảo trì công trình hàng không là tài liệu quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì công trình hàng không.

5. Kiểm tra công trình hàng không là việc xem xét bằng trực quan hoặc bằng thiết bị chuyên dùng để đánh giá hiện trạng công trình hàng không nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Quan trắc công trình hàng không là hoạt động theo dõi, đo đạc, ghi nhận sự biến đổi về hình học, biến dạng, chuyển dịch và các thông số kỹ thuật khác của công trình và môi trường xung quanh theo thời gian.

[...]
23