Loading


Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 25/2022/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 30/11/2022
Ngày có hiệu lực 01/04/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2022/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRANG CẤP PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ CÁ NHÂN TRONG LAO ĐỘNG

Căn cứ khoản 4 Điều 23 Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động được quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Điều 3. Phương tiện bảo vệ cá nhân

1. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang cấp để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết.

2. Phương tiện bảo vệ cá nhân bao gồm:

a) Phương tiện bảo vệ đầu.

b) Phương tiện bảo vệ mắt, mặt.

c) Phương tiện bảo vệ thính giác.

d) Phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp.

đ) Phương tiện bảo vệ tay.

e) Phương tiện bảo vệ chân.

g) Phương tiện bảo vệ thân thể.

h) Phương tiện chống ngã cao.

i) Phương tiện chống điện giật, điện từ trường, tia phóng xạ.

k) Phương tiện chống đuối nước.

l) Các loại phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khác.

[...]
6