Loading


Thông tư 26/2023/TT-BNNPTNT hướng dẫn nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 26/2023/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 22/12/2023
Ngày có hiệu lực 01/07/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hoàng Hiệp
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2023/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ LĨNH VỰC THỦY LỢI, CUNG CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thủy lợi;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là PPP) lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là Nghị định số 35/2021/NĐ-CP), bao gồm: cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế; hướng dẫn một số nội dung về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư; mẫu hợp đồng dự án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn.

Điều 3. Dự án PPP lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn

1. Dự án PPP lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn là dự án đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là Luật PPP).

2. Điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật PPP.

3. Lựa chọn dự án PPP có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá các nội dung sau đây:

a) Khả năng thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của nhà đầu tư tư nhân;

b) Dự án thủy lợi phục vụ đa mục tiêu, cung cấp đồng thời nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho tưới, tiêu và mang lại giá trị kinh tế cao như cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao và các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác (cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tiêu nước cho khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao; kết hợp phát điện; phát triển du lịch và các hoạt động vui chơi giải trí khác; nuôi trồng thủy sản trong các hồ chứa nước; kết hợp giao thông);

c) Dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung ở khu vực phục vụ có dân cư tập trung, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển;

d) Dự án thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn tập trung có khả năng phân chia rủi ro giữa Nhà nước, nhà đầu tư tư nhân và các bên có liên quan;

đ) Dự án thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn khác do nhà đầu tư quan tâm.

Điều 4. Cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế dự án PPP lĩnh vực thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng trong lĩnh vực thủy lợi, cung cấp nước sạch nông thôn thuộc cơ quan có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 83a Luật Xây dựng (được bổ sung tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).

Chương II

[...]
4