Loading


Thông tư 27/2023/TT-BCA quy định về công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 27/2023/TT-BCA
Ngày ban hành 05/07/2023
Ngày có hiệu lực 20/08/2023
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Tô Lâm
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2023/TT-BCA

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình trong quản lý và tổ chức công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân.

2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, học viện, trường Công an nhân dân (sau đây viết gọn là Công an đơn vị, địa phương); cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân (viết gọn là nghiên cứu chiến lược) là hoạt động nghiên cứu khoa học đặc thù, được thực hiện thông qua triển khai Chương trình nghiên cứu chiến lược và xây dựng Báo cáo nghiên cứu chiến lược, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn phục vụ công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân.

2. Công tác nghiên cứu chiến lược Công an nhân dân là một mặt công tác công an, nghiên cứu các vấn đề vĩ mô, trung hạn, dài hạn và các vấn đề cấp bách về an ninh, trật tự, phục vụ tham mưu Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, hoạch định, triển khai chiến lược, chính sách về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Công an nhân dân.

3. Chương trình nghiên cứu chiến lược (sau đây viết gọn là chương trình) là tập hợp các nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược cùng giải quyết mục tiêu vĩ mô, trung hạn hoặc dài hạn của Công an nhân dân, làm cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Công an nhân dân. Khung chương trình là văn bản xác định mục tiêu chương trình, nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của chương trình, dự kiến sản phẩm của chương trình và chỉ tiêu đánh giá chương trình.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược (sau đây viết gọn là nhiệm vụ) là các vấn đề nghiên cứu xác định thuộc chương trình, được quản lý, triển khai thực hiện theo quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ.

5. Báo cáo nghiên cứu chiến lược là kết quả nghiên cứu tổng hợp, toàn diện các vấn đề cấp bách có tác động lớn đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an hoặc tham mưu của đơn vị nghiên cứu chiến lược chuyên trách từ thực tiễn công tác.

6. Sản phẩm nghiên cứu chiến lược là kết quả của công tác nghiên cứu chiến lược từ việc triển khai chương trình và xây dựng báo cáo nghiên cứu chiến lược, có hai cấp độ: Báo cáo tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chính sách, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Công an nhân dân; Báo cáo phân tích chuyên sâu một vấn đề, lĩnh vực, địa bàn phục vụ Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác trong Công an nhân dân.

7. Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu chiến lược (sau đây viết gọn là Ban chỉ đạo) là cơ chế chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Công an thành lập, 01 lãnh đạo Bộ Công an làm Trưởng ban; có nhiệm vụ chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai chương trình theo quy định; Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an là cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo trong tổ chức quản lý, triển khai thực hiện chương trình.

8. Đơn vị chủ trì là đơn vị được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định giao chủ trì thực hiện chương trình, nhiệm vụ thuộc chương trình.

9. Ban chủ nhiệm nhiệm vụ thuộc chương trình là cơ chế chỉ đạo do đơn vị chủ trì chương trình đề xuất và được đơn vị quản lý chương trình phê duyệt để thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình. Mỗi nhiệm vụ có một ban chủ nhiệm; chủ nhiệm là cá nhân do đơn vị chủ trì nhiệm vụ phân công thực hiện nhiệm vụ và được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định giao chủ nhiệm.

Điều 3. Nguyên tắc của công tác nghiên cứu chiến lược

1. Đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; nghiên cứu chiến lược là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.

2. Phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng Công an nhân dân, thể hiện tính khoa học, cách mạng và tinh thần tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công của lực lượng Công an nhân dân.

3. Việc tổ chức công tác nghiên cứu chiến lược phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân, triển khai các chương trình, báo cáo nghiên cứu chiến lược được xây dựng, điều chỉnh theo yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn.

4. Phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, toàn diện của Công an nhân dân và huy động các tổ chức, đội ngũ chuyên gia ngoài Công an nhân dân, học giả quốc tế có liên quan tham gia.

[...]
2