Loading


Thông tư 46/2016/TT-BTTTT quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 46/2016/TT-BTTTT
Ngày ban hành 26/12/2016
Ngày có hiệu lực 14/02/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Trương Minh Tuấn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2016/TT-BTTTT

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH DANH MỤC THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐƯỢC MIỄN GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC KÈM THEO

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định danh mục và điều kiện kỹ thuật, khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam.

3. Thông tư này không áp dụng đối với thiết bị vô tuyến điện được sản xuất, nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang. Việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị vô tuyến điện này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn (Short Range Device) là thiết bị vô tuyến phát, thu-phát tín hiệu một chiều hoặc hai chiều, ít khả năng gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến khác.

2. Thiết bị vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung (Non-Specific Short Range Device) bao gồm các thiết bị vô tuyến cự ly ngắn thỏa mãn điều kiện kỹ thuật và khai thác quy định, không phân biệt ứng dụng hay mục đích sử dụng.

3. Điện thoại không dây (Cordless Phone) là thiết bị điện thoại đầu cuối được kết nối với mạng điện thoại công cộng qua giao diện tương tự hai dây. Thiết bị này bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến:

Khối trung tâm (còn gọi là trạm gốc hoặc máy mẹ): được đặt cố định và đấu nối với hai dây điện thoại cố định của mạng điện thoại công cộng (PSTN- Public Switched Telephone Network), sử dụng anten tích hợp. Ăng-ten tích hợp là anten được thiết kế cố định, bố trí bên trong hoặc bên ngoài thiết bị và là một phần của thiết bị.

Khối di động (có thể có nhiều khối di động, còn gọi là máy con): máy cầm tay sử dụng ăng-ten tích hợp. Khối di động mang số thuê bao điện thoại của khối trung tâm.

4. Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS-Medical Implant Communications Systems) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS-Medical Implant Telemetry Systems)

Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MITS) là hệ thống bao gồm thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể người và thiết bị liên lạc vô tuyến bên ngoài dùng để trao đổi dữ liệu với thiết bị cấy ghép trong khoảng cách 02 m, sau đó dữ liệu được truyền tới trung tâm xử lý và đến bác sỹ thông qua mạng viễn thông.

Trong hệ thống MICS, thiết bị cấy ghép và thiết bị liên lạc vô tuyến có trao đổi dữ liệu hai chiều. Trong hệ thống MITS, chỉ có truyền dữ liệu một chiều từ thiết bị cấy ghép tới thiết bị liên lạc vô tuyến tại các thời điểm đã lập trình trước.

5. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID-Radio Frequency Identification)

Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện sử dụng sóng vô tuyến để tự động nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hoá, con người, động vật và các ứng dụng khác. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối thông qua giao diện vô tuyến:

- Thẻ vô tuyến (RF tag) mang chip điện tử, có hoặc không có nguồn điện, được gắn trên đối tượng cần nhận dạng. Chíp điện tử chứa thông tin về đối tượng đó.

- Thiết bị đọc tần số vô tuyến (RF Reader) phát ra tần số nhất định để kích hoạt thẻ vô tuyến và thẻ vô tuyến sẽ phát ra thông tin của thẻ. Thông tin này được đầu đọc thu lại và chuyển tới hệ thống xử lý số liệu.

Thiết bị RFID được sử dụng trong các hoạt động phân phối, vận chuyển và bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giao thông hay các ứng dụng di động (quảng cáo thông minh).

6. Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện (Radio Detection and Alarm Device)

Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện bao gồm bộ phận cảm biến và hệ thống điều khiển được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến.

[...]
5