Loading


Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 58/2021/TT-BTC
Ngày ban hành 12/07/2021
Ngày có hiệu lực 27/08/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2021

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2020/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn các nội dung sau của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 158/2020/NĐ-CP):

a) Hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ;

b) Hoạt động của thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư này bao gồm:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

b) Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh;

c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;

d) Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, ngân hàng thanh toán;

đ) Thành viên giao dịch, thành viên giao dịch đặc biệt, thành viên tạo lập thị trường, thành viên bù trừ;

e) Nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Ngoài các từ ngữ đã được giải thích trong Nghị định số 158/2020/NĐ-CP, trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bù trừ là việc xác định vị thế và nghĩa vụ thanh toán ròng cho các bên tham gia giao dịch.

2. Giao dịch đối ứng là việc mở một vị thế mua (hoặc bán) mới nhằm làm giảm vị thế bán (hoặc mua) của chứng khoán phái sinh cùng loại, cùng tài sản cơ sở, cùng ngày đáo hạn đã mở trước đó.

3. Giá thanh toán là giá khớp lệnh giao dịch hợp đồng tương lai giữa các nhà đầu tư thông qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

4. Giá thanh toán cuối ngày là mức giá được xác định cuối ngày giao dịch để tính toán lãi lỗ hàng ngày của các vị thế.

5. Giá thanh toán cuối cùng là mức giá được xác định tại ngày giao dịch cuối cùng để xác định nghĩa vụ thanh toán khi thực hiện hợp đồng.

[...]
34