Loading


Thông tư 60/TATC năm 1978 hướng dẫn giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội đã có vợ, chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, chồng khác do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 60/TATC
Ngày ban hành 22/02/1978
Ngày có hiệu lực 22/02/1978
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký ***
Lĩnh vực Quyền dân sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/TATC

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 1978

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC TRANH CHẤP VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA CÁN BỘ, BỘ ĐỘI CÓ VỢ, CÓ CHỒNG TRONG NAM, TẬP KẾT RA BẮC LẤY VỢ, LẤY CHỒNG KHÁC

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG

1. Việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội đã có vợ có chồng ở trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ lấy chồng khác là loại việc mang tính chất đặc biệt. Nhân dân ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài. Đất nước bị chia cắt hơn hai chục năm ròng. Nhiều gia đình vợ chồng sống xa nhau quá lâu, không biết tin tức của nhau, hoặc tin tức không xác thực. Do đó mà trong cuộc sống gia đình sinh ra nhiều cảnh éo le phức tạp. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều gia đình đang trong quá trình thu xếp những vấn đề rắc rối trong quan hệ vợ chồng, và ở nhiều địa phương đã xảy ra những việc tranh chấp phải đưa đến Tòa án giải quyết.

Vì vậy khi giải quyết việc tranh chấp về hôn nhân, gia đình của các đối tượng nói trên, các Tòa án nhân dân cần thấy đầy đủ tính chất đặc biệt của loại tranh chấp này. Cần thấy đây là hậu quả của chiến tranh, một vấn đề xã hội phức tạp, vấn đề tình cảm, hạnh phúc gia đình nhất là của các người vợ và con cái. Khi giải quyết phải xem xét một cách thận trọng, thấu tình đạt lý. Phải vận dụng những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình cho sát với đặc điểm của loại tranh chấp nói trên, hết sức tránh áp dụng pháp luật một cách máy móc.

Nói chung đối với loại án kiện này, Tòa án nhân dân trước hết nên giải thích cho các bên đương sự nhận thức rõ được hoàn cảnh đặc biệt của đất nước và tình hình thực tế của gia đình họ, mặc dù họ không muốn như vậy. Do đó tự mỗi người phải suy nghĩ tìm lấy một giải pháp tốt nhất, ít tổn thất và hợp tình, hợp lý nhất.

Hai người vợ cần có sự thông cảm hoàn cảnh của nhau, nhất là phải suy nghĩ đến quyền lợi của những đứa con.

Đối với người chồng, cần phân tích cho họ thấy rõ trách nhiệm của họ trong việc giải quyết gia đình sao cho có nghĩa có tình với cả hai người phụ nữ và trong bất kể tình hình nào cũng phải thấy hết trách nhiệm của cha mẹ và quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của tất cả con cái.

Nếu cả hai người vợ đều vẫn tha thiết mong muốn gia đình sum họp thì Tòa án khuyên họ tự bàn bạc thu xếp sao cho ổn thỏa. Qua thực tế cuộc sống, nếu phát sinh những khó khăn, mâu thuẫn họ không tự giải quyết được, phải đưa lại Tòa án thì Tòa án sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể khi đó để giải quyết.

Nếu một trong hai người vợ tự nguyện xin ly hôn, Tòa án sẽ xem xét nếu họ thật sự tự nguyện và kiên quyết xin ly hôn thì Tòa án giải quyết yêu cầu chính đáng của họ, đồng thời giải quyết thỏa đáng các vấn đề con cái, tài sản.

2. Về phương châm công tác, các Tòa án cần phải thực sự cầu thị, đi sâu, đi sát điều tra chu đáo mọi tình tiết của việc tranh chấp, tìm hiểu đầy đủ hoàn cảnh kết hôn, diễn biến trong thời gian họ sống xa nhau, hoàn cảnh kết hôn với người vợ lấy sau. Tình trạng cuộc sống hiện nay, tâm tư nguyện vọng của các bên đương sự (kể cả người vợ lấy trước, người vợ lấy sau và người chồng). Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể để điều tra, hòa giải, giáo dục, giải quyết tư tưởng cho các đương sự mới có đường lối xử lý đúng đắn, thấu tình đạt lý. Có trường hợp phải kiên trì chờ đợi khi có điều kiện chín muồi mới giải quyết được, không nên chủ quan nóng vội.

3. Về mặt thủ tục, khi giải quyết việc cắt đứt quan hệ vợ chồng giữa người chồng và người vợ lấy sau thì nói chung cần áp dụng thủ tục ly hôn. Trừ trường hợp đặc biệt nói ở phần sau mới đặt vấn đề tiêu hôn.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp này là Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương.

II. PHƯƠNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ.

Khi giải quyết loại tranh chấp này cần phân biệt hai loại việc sau đây:

- Loại trước đây có bản án xử cho người chồng tập kết ly hôn với người vợ trong Nam.

- Loại lấy vợ khác mà không có bản án ly hôn với người vợ trong Nam.

1. Đối với các vụ kiện trước đây đã có án xử cho ly hôn.

Điều cần xem xét trước nhất để đề ra hướng giải quyết là: bản án đã xử cho ly hôn nay xác định lại là chính xác hay không chính xác. Thí dụ: Trước đây xử cho ly hôn vì người vợ đã đi lấy chồng khác hoặc theo địch nay lý do này vẫn đúng thì bản án là chính xác. Ngược lại người vợ vẫn chung thủy với chồng, trung thành với cách mạng thì bản án là không chính xác.

Trường hợp bản án xử cho ly hôn với những chứng cứ nay vẫn chính xác.

a, Nếu người ở lại trong Nam và người đi tập kết đã lấy người khác, nay hai người lại muốn trở lại với nhau thì giải thích cho họ biết việc họ xin trở lại chung sống với nhau là không hợp pháp, khuyên họ nên giữ nguyên tình trạng hiện nay để ổn định cuộc sống của cả hai gia đình. Nhưng sau khi giải thích họ vẫn cứ tự động trở lại chung sống với nhau do đó phát sinh mâu thuẫn, người vợ hoặc người chồng lấy sau có đơn kêu kiện đến Tòa án, thì Tòa án xử buộc họ không được chung sống với nhau nữa.

b, Nếu người vợ ở trong Nam đã thực sự lấy chồng khác, nay lại kiện đòi trở về với người chồng tập kết và người này đã có gia đình khác rồi, thì Tòa án giải thích chính sách khuyên họ rút đơn nếu họ không rút thì xử bác đơn. Trường hợp cá biệt người vợ trong Nam tuy đã lấy chồng khác nhưng do bị cưỡng bách, nay người chồng này không còn (chết hoặc nhờ thắng lợi của cách mạng mà người phụ nữ được giải phóng khỏi người chồng) hoặc ngoại tình có con riêng, nay giữa họ và người chồng tập kết vì tình nghĩa vợ chồng con cái mà muốn trở lại chung sống với nhau và người vợ lấy sau cũng thông cảm thì Tòa án khuyên họ tự thu xếp bàn bạc trong gia đình sao cho ổn thỏa.

Trường hợp bản án xử cho ly hôn với những chứng cứ nay xét thấy không chính xác.

a, Nếu người tập kết ra Bắc và người ở lại trong Nam chưa đi lấy người khác, nay cả hai bên thỏa thuận chung sống lại với nhau và yêu cầu Tòa án xóa bản án cũ đã xử cho ly hôn thì Tòa án nhân dân nơi cư trú của đương sự thụ lý, lấy đầy đủ hồ sơ rồi gửi đến Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thuộc quản hạt để xử phúc thẩm coi như có sự kháng cáo của đương sự vắng mặt khi xét xử sơ thẩm. Tòa phúc thẩm hủy bản án để khôi phục quan hệ vợ chồng của họ.

b, Ngược lại, mặc dù lý do ly hôn trước không chính xác, nhưng sau đó cả hai người đều đã lấy vợ, lấy chồng khác nay lại xin trở lại chung sống với nhau thì Tòa án giải thích cho họ rõ việc làm đó không hợp pháp, khuyên họ giữ nguyên tình trạng để ổn định cuộc sống cho cả hai gia đình. Nếu họ không nghe thì xử bác đơn.

c, Nếu người chồng tập kết ra Bắc đã lấy vợ khác, người vợ trong Nam vẫn chờ chồng, nay người vợ này yêu cầu xóa bản án để vợ chồng họ chung sống với nhau thì Tòa án phải thụ lý lập hồ sơ và gửi về Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao thuộc quản hạt để giải quyết như trong trường hợp đã nói ở điểm a trên. Kết quả của việc hủy bản án dẫn đến tình trạng một chồng hai vợ, mà quyền lợi cả cả hai người vợ đều hợp pháp, đều cần được bảo vệ. Tòa án nhân dân cần giải thích khuyên họ tự thu xếp cuộc sống trong gia đình sao cho ổn thỏa.

Trong tình hình đó có thể xảy ra mấy trường hợp sau đây:

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ