Loading


Thông tư 63/2002/TT-BTC hướng dẫn các quy định pháp luật về phí và lệ phí do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 63/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 24/07/2002
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Chí Trung
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 63/2002/TT-BTC NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Chỉ thị số 13/2002/CT-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, như sau:

I - PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Thông tư này áp dụng đối với việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí (gọi tắt là Nghị định số 57/2002/NĐ-CP) do các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được nhà nước uỷ quyền, tổ chức khác và cá nhân (gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện.

2. Thông tư này không áp dụng đối với các loại phí được quy định tại Điều 3 của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP:

a) Các loại phí bảo hiểm: phí bảo hiểm xã hội, phí bảo hiểm y tế và các loại phí bảo hiểm khác như phí bảo hiểm tiền gửi, phí bảo hiểm nhân thọ, phí bảo hiểm phi nhân thọ, phí tái bảo hiểm...;

b) Hội phí của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, câu lạc bộ không quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP như: Đảng phí, Công đoàn phí, Đoàn phí, hội phí của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội đồng Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, các câu lạc bộ; niên liễm, nguyệt liễm của các tổ chức trong và ngoài nước, như tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức Mã số vật phẩm quốc tế, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các tổ chức quốc tế khu vực, tiểu khu vực, các hiệp hội chuyên ngành...;

c) Những khoản phí khác không quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP như: cước phí vận tải, cước phí bưu chính viễn thông, phí thanh toán, chuyển tiền của các tổ chức tín dụng,....

3. Trường hợp thực hiện điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định về phí, lệ phí khác với quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, Nghị định số 57/2002/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

II - PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ, LỆ PHÍ

1. Đối với phí

a) Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí như sau:

- Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước;

- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thuộc chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương;

- Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại áp dụng thống nhất trong cả nước.

b) Đối với một số loại phí thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định mà uỷ quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu thì chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí thu được được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về loại phí đó.

c) Thẩm quyền quy định đối với từng loại phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP.

d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được Chính phủ uỷ quyền quy định mức thu và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi ban hành văn bản quy định thu phí áp dụng tại địa phương, phải gửi văn bản đã ban hành đến Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.

đ) Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng, các tổ chức, cá nhân phản ảnh bằng văn bản về:

- Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giải quyết (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí) hoặc để Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời (đối với trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính);

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

e) Mọi trường hợp cần bổ sung danh mục phí, tổ chức, cá nhân báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Đối với lệ phí

a) Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí như sau:

- Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế;

- Bộ Tài chính quy định đối với những lệ phí còn lại.

Thẩm quyền quy định đối với từng lệ phí cụ thể được ghi trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 57/2002/NĐ-CP.

[...]
7