Loading


Thông tư 70/2011/TT-BCA hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 70/2011/TT-BCA
Ngày ban hành 10/10/2011
Ngày có hiệu lực 25/12/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Trần Đại Quang
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 70/2011/TT-BCA

Hà Nôi, ngày 10 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý.

Việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ tư pháp, Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ được phân công thực hiện một số hoạt động điều tra, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ, cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong Công an nhân dân; các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư; người bị tạm giữ, bị can; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

1. Tuân thủ quy định của pháp luật.

2. Tôn trọng và bảo vệ quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can; quyền của người bào chữa.

3. Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong hoạt động bào chữa.

Điều 4. Giải thích quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và thực hiện thủ tục nhờ người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can

1. Khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ Quyết định khởi tố bị can cho bị can, Điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo Quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự và lập biên bản giao nhận Quyết định. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không. Nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cần nhờ người bào chữa thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc các tổ chức thành viên của Mặt trận đề nghị tổ chức mà họ là thành viên cử người bào chữa cho họ thì Điều tra viên phải ghi ý kiến của người bị tạm giữ, bị can vào biên bản và hướng dẫn họ viết đề nghị bằng văn bản. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, tạm giam có văn bản đề nghị, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị cử người bào chữa của họ cho tổ chức mà người bị tạm giữ, bị can là thành viên bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh;

b) Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa là người đại diện hợp pháp của họ thì Điều tra viên hướng dẫn họ viết văn bản đề nghị, trong văn bản ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ của người đại diện hợp pháp. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, bị can có văn bản đề nghị, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị của người bị tạm giữ, bị can cho người đại diện hợp pháp mà người bị tạm giữ, bị can nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh;

c) Trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa là luật sư thì Điều tra viên hướng dẫn họ viết giấy yêu cầu luật sư, nếu yêu cầu đích danh luật sư bào chữa (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) thì trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ, Cơ quan Điều tra có trách nhiệm gửi giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can cho luật sư mà họ nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh; trường hợp người bị tạm giữ, bị can viết giấy nhờ người thân (có họ tên, địa chỉ rõ ràng) liên hệ nhờ luật sư bào chữa cho họ thì trong thời gian hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị tạm giữ, bị can có giấy nhờ người thân, Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi giấy đó cho người thân của người bị tạm giữ, bị can bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.

2. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can chưa nhờ người bào chữa thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên phải hỏi rõ người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Nếu người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp bị can phạm tội mà khung hình phạt đối với tội đó có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự; bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, nếu sau khi giải thích và thông báo cho bị can, người đại diện hợp pháp của họ về quyền được nhờ người bào chữa mà họ từ chối thì Cơ quan điều tra phải làm văn bản yêu cầu Đoàn luật sư thuộc địa bàn Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình; trường hợp Đoàn luật sư, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận đã cử người bào chữa nhưng bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì Điều tra viên phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của họ. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ đề nghị thay đổi người bào chữa thì Cơ quan điều tra phải có văn bản yêu cầu Đoàn luật sư cử người khác bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người khác bào chữa cho thành viên tổ chức mình.

4. Trường hợp người bị tạm giữ, bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện kiểm sát đã có quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên phải thông báo cho họ biết quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo quy định tại Điều 48, Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 5. Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư

1. Luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và tham gia tố tụng phải có đủ các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ luật sư ( bản sao có chứng thực);

b) Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa); hoặc giấy yêu cầu luật sư của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can (đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất);

c) Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư ( đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân);

d) Văn bản phân công của đoàn luật sư đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

[...]
62