Loading


Thông tư 73-TC/TCDN-1996 hướng dẫn lập, công bố công khai và kiểm tra báo cáo tài chính, kiểm tra kế toán các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 73-TC/TCDN
Ngày ban hành 12/11/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-TC/TCDN

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 73/TC/TCDN NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN LẬP, CÔNG BỐ CÔNG KHAI VÀ KIỂM TRA BÁO CÁO TÀI CHÍNH, KIỂM TRA KẾ TOÁN CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Thi hành Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước"; Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn công tác báo cáo tài chính, công khai báo cáo tài chính và kiểm tra công tác kế toán hàng năm tại các doanh nghiệp Nhà nước như sau:

I. LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH HÀNG QUÝ VÀ NĂM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

1. Hàng quý và năm, các doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm lập và gửi hệ thống báo cáo tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 1141 TC/QĐ-CĐKT ngày 1/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản quy định riêng cho phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực theo thoả thuận của Bộ Tài chính.

2. Trước khi lập báo cáo tài chính hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện những công việc sau:

a. Khoá sổ kế toán, tổ chức kiểm kê tài sản, vật tư, tiền vốn ở thời điểm lập báo cáo tài chính nhằm xác định đúng và đầy đủ toàn bộ giá trị thực tế tài sản của doanh nghiệp, phát hiện các tài sản thừa hoặc thiếu so với số liệu ghi trên sổ kế toán, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo quy định của chế độ quản lý vốn và tài sản.

- Rà soát và đối chiếu từng khoản công nợ, phân loại công nợ đến hạn, quá hạn hoặc công nợ không có khả năng thu hồi.

- Doanh nghiệp phải thành lập Hội đồng kiểm kê do Giám đốc là Chủ tịch hội đồng. Tuỳ theo yêu cầu của công tác kiểm kê, Giám đốc quyết định danh sách các thành viên của Hội đồng, nhưng nhất thiết phải có kế toán trưởng (trưởng phòng kế toán tài vụ) là thành viên.

- Kết quả kiểm kê tài sản và đối chiếu công nợ phải lập thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng kiểm kê, kế toán trưởng (trưởng phòng kế toán tài vụ).

Biên bản kiểm kê phải gửi kèm bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Cuối niên độ kế toán, phải kiểm kê toàn diện tài sản của doanh nghiệp. Cuối quý nếu không có đủ điều kiện kiểm kê toàn diện thì doanh nghiệp phải kiểm kê các tài sản chủ yếu và đối chiếu công nợ.

b. Tổ chức công tác kiểm toán nội bộ:

Doanh nghiệp Nhà nước phải thường xuyên tự tổ chức kiểm toán trong nội bộ doanh nghiệp để xác định đúng các nghiệp vụ kinh tế thực tế phát sinh và các khoản chi đúng quy định của Nhà nước làm căn cứ lập báo cáo tài chính năm được chính xác.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được kiểm toán và có xác nhận đã được kiểm toán của kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán độc lập.

3. Giám đốc doanh nghiệp có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính chính xác, kịp thời và đầy đủ, theo đúng quy định của Nhà nước. Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở những tài liệu có đầy đủ các chứng cứ hợp pháp theo quy định của chế độ kế toán hiện hành. Báo cáo tài chính được coi là hợp pháp, hợp lệ khi có đủ chữ ký của người lập, người kiểm toán, kế toán trưởng, Giám đốc và đóng dấu doanh nghiệp. Nếu báo cáo tài chính không đúng sự thật, không đủ các chứng cứ hợp pháp hoặc không kịp thời thì người lập và những người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Nơi gửi báo cáo tài chính:

Các doanh nghiệp Nhà nước phải gửi kịp thời báo cáo tài chính cho các cơ quan theo đúng quy định hiện hành. Riêng các Tổng công ty Nhà nước phải tổng hợp và gửi báo cáo tài chính cho Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

II. CÔNG BỐ CÔNG KHAI BÁO CÁO TÀI CHÍNH HÀNG NĂM CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

1. Hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước phải công bố công khai báo cáo tài chính và các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tượng sử dụng thông tin theo quy định.

Trong trường hợp những doanh nghiệp có điều kiện đặc biệt, không được phép công bố công khai, rộng rãi các thông tin về tình hình tài chính hàng năm, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp.

Mục đích của công khai báo cáo tài chính:

- Thông báo cho tập thể trong doanh nghiệp biết được tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh, mức thu nhập và các quyền lợi khác, nhằm thực hiện quyền làm chủ và tham gia giám sát bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp, động viên người lao động gắn bó xây dựng doanh nghiệp phát triển.

- Thông báo cho các cơ quan quản lý của Nhà nước có căn cứ đánh giá tình hình và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp tăng cường quản lý doanh nghiệp.

- Là căn cứ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và quyết định việc đầu tư vào doanh nghiệp; các chủ nợ đánh giá khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

3. Hình thức công khai:

- Tổ chức báo cáo công khai trước hội nghị cán bộ công nhân viên chức của doanh nghiệp.

- Đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí hoặc các hình thức khác.

Tuỳ theo từng đối tượng và mục đích cụ thể mà doanh nghiệp lựa chọn hình thức công bố công khai, lựa chọn các chỉ tiêu công khai thích hợp. Văn bản công bố công khai phải do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (đối với các doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) ký tên và đóng dấu.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ