Loading


Thông tư 87/2017/TT-BTC về quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 87/2017/TT-BTC
Ngày ban hành 15/08/2017
Ngày có hiệu lực 10/10/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Xuân Hà
Lĩnh vực Chứng khoán

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/2017/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU AN TOÀN TÀI CHÍNH VÀ BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC KINH DOANH CHỨNG KHOÁN KHÔNG ĐÁP ỨNG CHỈ TIÊU AN TOÀN TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

Căn cứ Nghị định số 86/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc xác định các chỉ tiêu an toàn tài chính, chế độ báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính của tổ chức kinh doanh chứng khoán, các biện pháp xử lý và trách nhiệm của các bên liên quan đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Thông tư không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của tổ chức kinh doanh chứng khoán đối với ngân sách Nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

a) Công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty chứng khoán), công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty quản lý quỹ);

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức kinh doanh chứng khoán là công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

2. Giá trị rủi ro thị trường là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi giá thị trường của tài sản đang sở hữu và dự kiến sẽ sở hữu theo cam kết bảo lãnh phát hành biến động theo chiều hướng bất lợi.

3. Giá trị rủi ro thanh toán là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc chuyển giao tài sản đúng hạn theo cam kết.

4. Giá trị rủi ro hoạt động là giá trị tương ứng với mức độ tổn thất có thể xảy ra do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống và quy trình nghiệp vụ, lỗi con người trong quá trình tác nghiệp, do thiếu vốn kinh doanh phát sinh từ các khoản chi phí, lỗ từ hoạt động đầu tư, do các nguyên nhân khách quan khác.

5. Tổng giá trị rủi ro là tổng các giá trị rủi ro thị trường, giá trị rủi ro thanh toán và giá trị rủi ro hoạt động.

6. Vốn khả dụng là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng chín mươi (90) ngày.

[...]
1