Loading


Thông tư liên tịch 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 92/2009/NĐ-CP chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH
Ngày ban hành 27/05/2010
Ngày có hiệu lực 11/07/2010
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân,Trần Văn Tuấn,Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH- BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2009/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHỨC DANH, SỐ LƯỢNG, MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ như sau:

Điều 1. Bố trí cán bộ, công chức cấp xã

1. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:

a) Đối với xã, phường, thị trấn loại 1: không quá 25 người;

b) Đối với xã, phường, thị trấn loại 2: không quá 23 người;

c) Đối với xã, phường, thị trấn loại 3: không quá 21 người.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn, không nhất thiết xã, phường, thị trấn nào cũng bố trí tối đa số lượng cán bộ, công chức quy định tại Khoản 1 Điều này; đồng thời căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng xã, phường, thị trấn hướng dẫn việc kiêm nhiệm và việc bố trí những chức danh công chức được tăng thêm người đảm nhiệm. Riêng chức danh Văn hóa – xã hội và chức danh Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã) được bố trí 02 người cho một chức danh theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 92/2009/NĐ-CP). Số công chức còn lại được bố trí phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ, công chức hiện có của xã, phường, thị trấn theo hướng ưu tiên bố trí thêm cho các chức danh Tư pháp – hộ tịch, Văn phòng – thống kê, Tài chính – kế toán, bảo đảm các lĩnh vực công tác, các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền cấp xã đều có người đảm nhiệm.

3. Những chức danh công chức cấp xã có 02 người đảm nhiệm, khi tuyển dụng, ghi hồ sơ lý lịch và sổ bảo hiểm xã hội phải thống nhất theo đúng tên gọi của chức danh công chức cấp xã quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.

Điều 2. Xếp lương đối với cán bộ cấp xã

1. Cán bộ cấp xã có trình độ đào tạo sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì thực hiện xếp lương chức vụ theo bảng lương quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Trường hợp được bầu giữ chức danh cán bộ cấp xã lần đầu (nhiệm kỳ đầu), thì xếp lương vào bậc 1 của chức danh cán bộ cấp xã được đảm nhiệm.

b) Trường hợp có tổng thời gian đủ 5 năm (60 tháng) xếp lương bậc 1 ở chức danh cán bộ cấp xã hiện đảm nhiệm hoặc ở chức danh cán bộ cấp xã khác có cùng hệ số lương chức vụ, hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được xếp lương lên bậc 2 của chức danh cán bộ cấp xã hiện đảm nhiệm.

c) Trường hợp được bầu giữ chức danh cán bộ cấp xã mới có hệ số lương chức vụ khác với hệ số lương chức vụ của chức danh đã đảm nhiệm trước đó (sau đây gọi là chức danh cũ), thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở chức danh cũ chuyển xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở chức danh mới (hiện đảm nhiệm). Nếu chức danh mới có hệ số lương bậc 2 thấp hơn hệ số lương đang hưởng ở chức danh cũ, thì được bảo lưu hệ số lương đang hưởng ở chức danh cũ trong 6 tháng, sau đó xếp lương vào bậc 2 của chức danh mới.

Trường hợp đang xếp lương bậc 1 ở chức danh cũ, mà chức danh cũ này có hệ số lương bậc 1 thấp hơn nhưng có hệ số lương bậc 2 cao hơn so với hệ số lương bậc 1 của chức danh mới, thì được xếp vào bậc 1 ở chức danh mới; thời gian giữ bậc 1 ở chức danh cũ được tính vào thời gian giữ bậc 1 ở chức danh mới, đến khi có đủ 60 tháng được xếp lên bậc 2 của chức danh mới.

Ví dụ 1. Ông Nguyễn Văn A được bầu giữ chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B từ 01 tháng 11 năm 2007 được xếp vào bậc 1 hệ số lương 1,95 của chức danh này; đến ngày 01 tháng 5 năm 2010 ông A được bầu giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã B. Do ông A đang xếp bậc 1 ở chức danh cũ mà chức danh cũ này có hệ số lương bậc 1 là 1,95 thấp hơn nhưng có hệ số lương bậc 2 là 2,45 cao hơn so với hệ số lương 2,15 (bậc 1) của chức danh mới (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã), nên kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 ông A được chuyển từ bậc 1 hệ số lương 1,95 của chức danh cũ (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân) vào bậc 1 hệ số lương 2,15 của chức danh mới (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã). Thời gian đã giữ bậc 1 ở chức danh cũ (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân) từ ngày 01 tháng 11 năm 2007 được tính vào thời gian giữ bậc 1 ở chức danh mới (Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã) và đến ngày 01 tháng 11 năm 2012 (khi có đủ 60 tháng), ông A được xếp lương lên bậc 2 hệ số lương 2,65 của chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

d) Trường hợp trong thời gian giữ bậc 1, cán bộ cấp xã có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật bị kéo dài thời gian xếp lương lên bậc 2 là 06 tháng so với quy định.

Trường hợp trong một năm công tác vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó cũng chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.

đ) Trường hợp được bầu Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã mà không phải là công chức cấp xã, đã được hưởng lương theo quy định tại bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 được bảo lưu hệ số lương đang hưởng cho đến hết tháng 4 năm 2011 (hết nhiệm kỳ). Từ nhiệm kỳ tiếp theo không được hưởng chế độ quy định tại Thông tư này. Trường hợp trong thời gian chưa hết nhiệm kỳ mà chuyển công tác khác thì xếp lương theo công việc mới, thôi bảo lưu hệ số lương nêu trên.

2. Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Cán bộ cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên xếp lương theo ngạch chuyên viên (mã số 01.003); tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch chuyên viên (cao đẳng) (mã số 01a.003); tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004).

Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.

b) Trường hợp đã có bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trước ngày 01 tháng 01 năm 2010 và đã được xếp lương chức vụ quy định tại bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thì được căn cứ vào từng thời Điểm trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì được cộng dồn) đã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xếp vào bậc lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này theo nguyên tắc sau:

[...]
35
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ