Loading


Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT
Ngày ban hành 02/11/2012
Ngày có hiệu lực 17/12/2012
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Quốc phòng,Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Nghĩa Mai,Nguyễn Đăng Khoa,Nguyễn Thành Cung,Phạm Quý Ngọ,Phạm Quý Tỵ,Trương Chí chung
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Tài chính nhà nước

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất hướng dẫn như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây viết tắt là Luật TNBTCNN) về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với người bị thiệt hại về vật chất hoặc bị tổn hại về tinh thần do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự.

Điều 2. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN.

2. Người bị tạm giữ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi đã có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền đã viện dẫn làm căn cứ để ra quyết định tạm giữ đối với họ.

Ví dụ 1: Công an huyện T tạm giữ Nguyễn Văn A cùng 8 người khác trong vụ đánh bạc tại nhà C. Qua điều tra đã xác định tại thời điểm đó A sang nhà C để trả nợ rồi bị tạm giữ, nên Cơ quan Điều tra đã ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với A. Trong trường hợp này Nguyễn Văn A được bồi thường thiệt hại.

Ví dụ 2: Bộ đội Biên phòng Đồn 56 huyện A bắt quả tang 10 người Việt Nam đang vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới về Việt Nam và ra lệnh tạm giữ họ. Qua điều tra xác định được hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, vì vậy đã hủy bỏ quyết định tạm giữ để xử lý họ về hành chính. Trong trường hợp này họ đã có hành vi vi phạm pháp luật (vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới), nên không được bồi thường thiệt hại.

3. Người bị tạm giam thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi có quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội vì một trong những lý do sau đây:

a) Người bị tạm giam không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố bị can và bị tạm giam về tội giết người. Quá trình điều tra đã chứng minh A không thực hiện hành vi giết người. Viện kiểm sát đã quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam, Cơ quan điều tra đã quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can A. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A được bồi thường thiệt hại.

b) Người bị tạm giam có thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi đó không phải là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;

c) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

4. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã bị thi hành án tử hình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật TNBTCNN được bồi thường thiệt hại khi có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm.

Điều 3. Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại

Nhà nước không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:

1. Các trường hợp quy định tại Điều 27 Luật TNBTCNN.

a) Người thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật TNBTCNN là người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 19, Điều 25, khoản 2 Điều 69, khoản 3 Điều 80, khoản 6 Điều 289, khoản 6 Điều 290, khoản 3 Điều 314 Bộ luật Hình sự.

b) Người thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật TNBTCNN là người cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm do người khác thực hiện.

2. Trường hợp người bị khởi tố đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự mà bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định tại Điều 43 hoặc Điều 70 Bộ luật Hình sự vì lý do họ không có năng lực trách nhiệm hình sự (bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự) hoặc do họ chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự).

Điều 4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 30 Luật TNBTCNN; cụ thể là một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;

b) Đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội;

[...]
4