Loading


Thông tư liên tịch 100/2014/TTLT-BTC-BTP về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 100/2014/TTLT-BTC-BTP
Ngày ban hành 30/07/2014
Ngày có hiệu lực 15/09/2014
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính,Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Thúy Hiền,Trương Chí Trung
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH -
BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 100/2014/TTLT-BTC-BTP

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2014

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật hòa giải ở cơ sở số 35/2013/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; kinh phí hỗ trợ cho tổ hòa giải và hòa giải viên; kinh phí thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch về hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi tắt là công tác hòa giải ở cơ sở).

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí

1. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và được tổng hợp vào dự toán hàng năm của cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc không hỗ trợ 100% mà tập trung cho một số mục tiêu ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế.

3. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư liên tịch này.

4. Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện đứng theo sự thỏa thuận với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ trong và ngoài nước và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

a) Chi hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình, Đề án về hòa giải ở cơ sở để tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ, các cuộc họp; mua văn phòng phẩm và biên soạn tài liệu phục vụ các hoạt động của Ban chỉ đạo; tổ chức hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng;

b) Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông về hoạt động hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng gồm: Xây dựng chương trình, chuyên mục, thực hiện truyền thông trên báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình, tập san, bản tin, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề, làm bảng thông tin và hộp tin; thực hiện thông tin, truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (bao gồm. biên soạn tin, bài phục vụ việc phát thanh; thù lao cho phát thanh viên);

c) Chi biên soạn, biên dịch, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

- Biên soạn, in, phát hành hoặc đăng tải trên website, trang tin điện tử các loại sách, tài liệu pháp luật, tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở;

- Biên soạn, in, phát hành hoặc đáng tải trên website, trang tin điện tử các sách pháp luật phổ thông, tình huống giải đáp pháp luật, tờ gấp pháp luật, câu chuyện pháp luật, tiểu phẩm pháp luật và các tài liệu khác phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở;

- Biên dịch tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở bằng tiếng dân tộc thiểu số;

- Biên dịch tài liệu liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;

d) Chi tổ chức cuộc thi về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở;

đ) Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có cấp chứng chỉ, có thêm mục chi cho việc biên soạn đề thi, đáp án, chấm thi và in ấn chứng chỉ;

e) Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở; chi tổ chức các cuộc họp triển khai Chương trình, Đề án, Kế hoạch công tác hòa giải ở cơ sở;

[...]
14