Loading


Thông tư liên tịch 155-TT/LB năm 1986 về nội dung, đối tượng, trình tự đầu tư xây dựng cơ bản lâm sinh do Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành

Số hiệu 155-TT/LB
Ngày ban hành 29/12/1986
Ngày có hiệu lực 13/01/1987
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp,Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước
Người ký Đỗ Quốc Sam,Phan Xuân Đợt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP-UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155-TT/LB

Hà Nội , ngày 29 tháng 12 năm 1986

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP - UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC SỐ 155-TT/LB NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1986 VỀ NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, TRÌNH TỰ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN LÂM SINH

Căn cứ Nghị định số 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản, Nghị quyết số 166-HĐBT ngày 15-12-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý xây dựng cơ bản và Nghị quyết 52-HĐBT ngày 23-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý lâm trường quốc doanh;
Để đưa công tác xây dựng cơ bản lâm sinh vào nề nếp;
Liên Bộ Lâm nghiệp, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước quy định như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Nội dung của xây dựng cơ bản lâm sinh bao gồm việc xây dựng vốn cây đứng (tức tạo ra 1 quần thể sinh vật có mục đích: cây gỗ, cây dưới tán, chim thú rừng...) trên đất rừng đã được quy hoạch theo hướng phát triển và ổn định lâu dài.

Đối với đất bị thoái hoá mạnh thì trước khi xây dựng vốn cây đứng phải tiến hành cải tạo đất để tạo ra đất rừng có đủ điều kiện cho cây rừng tồn tại và phát triển.

Với nội dung trên, đối tượng chủ yếu của xây dựng cơ bản lâm sinh là: rừng trồng mới có mục đích; rừng tự nhiên cần khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo làm giàu rừng v.v... để chuyển thành rừng có mục đích.

1.2. Các loại rừng trong xây dựng cơ bản lâm sinh

Phân theo mục đích sử dụng, chia ra:

1.2.1. Rừng sản xuất: Phục vụ cho việc sản xuất gỗ, củi, các loại lâm sản, đặc sản như:

- Rừng cung cấp gỗ lớn.

- Rừng nguyên liệu công nghiệp giấy, sợi, trụ mỏ.

- Rừng đặc sản (tinh dầu, hương liệu, dược liệu v.v...)

- Rừng cung cấp củi.

- Rừng cây giống.

1.2.2. Rừng đặc dụng: Phục vụ cho mục đích văn hoá, khoa học, quốc phòng, bảo tồn thiên nhiên, như:

- Rừng thắng cảnh du lịch.

- Rừng bảo vệ các khu văn hoá, lịch sử, quốc phòng.

- Vườn Quốc gia, khu bảo vệ thiên nhiên.

- Các khu thí nghiệm, thực nghiệm khoa học, đào tạo.

1.2.3. Rừng phòng hộ: Để chống lại các yếu tố có hại đến sản xuất và đời sống, như:

- Rừng đầu nguồn

- Rừng chống cát bay, rừng chống sóng, lấn biển.

- Rừng chống gió độc hại, chống ô nhiễm môi trường.

Loại rừng sản xuất mang tính chất của công trình sản xuất. Loại rừng đặc dụng và rừng phòng hộ mang tính chất công trình không sản xuất.

Trong mỗi loại trên đều có cả rừng tự nhiên, rừng trồng và bao gồm cả đất phải trồng rừng.

1.3. Công trình, hạng mục công trình

1.3.1. Công trình: Lâm trường, xí nghiệp lâm nghiệp, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh ... (gọi chung là lâm trường) được xem là 1 công trình xây dựng, là đối tượng để đầu tư tính toán hiệu quả kinh tế. Lâm trường có nhiều hạng mục nằm trong hệ thống dây chuyền công nghệ đồng bộ, hoàn chỉnh để thực hiện việc xây dựng rừng, sản xuất các loại lâm sản, đặc sản từ vốn rừng, áp dụng phương thức nông lâm kết hợp để sản xuất thêm các loại nông sản, thuỷ sản phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu từng nơi.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ