Loading


Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng Chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ luật hình sự năm 1999 do Bộ Công an - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP
Ngày ban hành 24/12/2007
Ngày có hiệu lực 18/01/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tư pháp,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đặng Quang Phương,Hoàng Nghĩa Mai,Hoàng Thế Liên,Lê Thế Tiệm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TƯ PHÁP
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH TẠI CHƯƠNG XVIII “CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY” CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết tắt là BLHS), Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn một số điểm như sau:

I. VỀ MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

1. Về một số khái niệm

1.1. “Chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Trong đó, cần phân biệt các trường hợp sau:

a) Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma túy đó;

b) Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện.

1.2. “Tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy” là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong các danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

1.3. “Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy hay tuy được sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.

Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

2. Về một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt.

2.1. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196 và 198 của BLHS, được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.

2.2. Tình tiết “lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195 và 196 của BLHS được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi phạm tội.

2.3. Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt.

Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đối với một người từ hai lần trở lên cũng bị coi là phạm tội nhiều lần.

2.4. Tình tiết “phạm tội đối với nhiều người” quy định tại khoản 2 các điều 197,198 và 200 của BLHS được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội tổ chức cho từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy; trong một lần phạm tội cưỡng bức, lôi kéo từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).

2.5. Tình tiết “có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng của chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 194 của BLHS được xác định như sau:

a) Trường hợp các chất ma túy đó đều có trọng lượng dưới mức tối thiểu quy định tại khoản 2 (tức thuộc khoản 1) Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS, thì tổng trọng lượng của các chất ma túy đó được xác định theo các bước sau đây:

Bước 1: Xác định tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy so với mức tối thiểu đối với từng chất ma túy đó tại điểm tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 193 hoặc khoản 2 Điều 194 của BLHS.

Bước 2: Cộng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của từng chất ma túy lại với nhau.

Bước 3: Xác định điểm, khoản, điều luật. Nếu tổng các tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy dưới 100%, thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 hoặc khoản 1 Điều 194 của BLHS, nếu tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của các chất ma túy từ 100% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung: “Có từ hai chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương ứng với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ…” quy định tại điểm i khoản 2 Điều 193 hoặc điểm o khoản 2 Điều 194 của BLHS.

Ví dụ 1: Một người sản xuất hai trăm gam nhựa thuốc phiện và hai gam hêrôin (đều thuộc khoản 1 Điều 193 của BLHS). Tổng trọng lượng của các chất ma túy được xác định như sau:

- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của nhựa thuốc phiện so với mức tối thiểu đối với nhựa thuốc phiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai trăm gam so với năm trăm gam).

- Tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm e khoản 2 Điều 193 của BLHS là 40% (hai gam so với năm gam).

- Tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả hai chất nhựa thuốc phiện và hêrôin là 40% + 40% = 80% (dưới 100%), cho nên người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 193 của BLHS.

[...]
142
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ