Loading

10:33 - 11/11/2024

Các trường hợp Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố?

Các trường hợp Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố? Thời hạn xem xét, quyết định việc truy tố như thế nào? Quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố như thế nào?

Nội dung chính

    Các trường hợp Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố?

    Tại Điều 69 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về các trường hợp Viện kiểm sát tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn truy tố như sau:

    1. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong các trường hợp sau:

    a) Khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện;

    b) Khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố;

    c) Khi Tòa án yêu cầu điều tra; bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Viện kiểm sát xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

    2. Khi trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án phải thực hiện các hoạt động sau đây:

    a) Trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch điều tra, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định việc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra;

    b) Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp điều tra. Đối với vụ việc phức tạp, Kiểm sát viên có thể phối hợp với Điều tra viên để tiến hành một số hoạt động điều tra;

    c) Kết thúc việc tiến hành hoạt động điều tra, Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về kết quả điều tra.

    3. Biên bản, tài liệu, chứng cứ do Kiểm sát viên lập, thu thập trong quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát.

    Nguồn: Internet

    Thời hạn xem xét, quyết định việc truy tố như thế nào?

    Tại Điều 70 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về thời hạn xem xét, quyết định việc truy tố như sau:

    Thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với từng loại tội phạm và ra quyết định tố tụng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Chậm nhất 05 ngày, trước khi hết thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu vụ án phức tạp, cần có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá chứng cứ hoặc báo cáo, thỉnh thị xin ý kiến mà chưa thể đề xuất việc xử lý vụ án thì Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện quyết định gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    Quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố như thế nào?

    Tại Điều 71 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC năm 2020 có quy định về quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố như sau:

    1. Trong thời hạn quyết định việc truy tố đối với từng loại tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu có căn cứ và cần thiết phải trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để thực hiện trước khi quyết định việc giải quyết.

    2. Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất bằng văn bản cho lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:

    a) Nếu thấy đủ căn cứ để quyết định truy tố thì Kiểm sát viên dự thảo bản Cáo trạng trình lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, duyệt ký. Bản Cáo trạng phải phản ánh đúng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự và được lập theo Mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành;

    b) Nếu có căn cứ xác định thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung;

    c) Nếu có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc tại các điều 16, 29 và khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự thì ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án đối với bị can;

    d) Nếu có một trong những căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

    3. Việc giao, gửi, thông báo các quyết định tố tụng trong giai đoạn truy tố nêu tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự.

    4. Nếu các quyết định nêu tại khoản 2 Điều này của Viện kiểm sát cấp dưới không có căn cứ và trái pháp luật thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    123
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ