Chị được làm người giám hộ cho em không?
Nội dung chính
Theo quy định tại Điều 47, Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa thành niên mà cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ đương nhiên. Nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ đương nhiên.
==> Như bạn trình bày thì nay bố mẹ bạn đã lớn tuổi và em bạn thì mới 10 tuổi, bạn muốn làm người giám hộ cho em mình. Đối với trường hợp của bạn thì bạn có thể làm người giám hộ đương nhiên cho em mình nếu như bố, mẹ bạn yêu cầu có người giám hộ vì không có điều kiện chăm sóc, giáo dục em bạn.
Thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên:
1. Thành phần hồ sơ (Điều 21 Luật Hộ tịch 2014)
Giấy tờ phải xuất trình:
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký giám hộ.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).
Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu;
- Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định;
2. Nơi nộp hồ sơ (Điều 19 Luật Hộ tịch 2014): Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ.
3. Thời hạn giải quyết (Điều 20 Luật Hộ tịch 2014): 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!