Loading

05:03 - 16/12/2024

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112 không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quy định mới thì sẽ nghỉ hưu hay bị tinh giản biên chế?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định mới thì có bị cho nghỉ hưu hay tinh giản biên chế không?

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

    Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã như sau:

    - Độ tuổi: Khi tham gia giữ chức vụ lần đầu phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (60 tháng), trường hợp đặc biệt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ;

    - Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

    - Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của luật đó;

    - Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên;

    - Các tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, của pháp luật có liên quan, quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quy định mới thì có bị cho nghỉ hưu hay tinh giản biên chế không?

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112 không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quy định mới thì sẽ nghỉ hưu hay bị tinh giản biên chế? (Hình từ Internet)

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112 không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quy định mới thì sẽ nghỉ hưu hay bị tinh giản biên chế?

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân là cán bộ cấp xã.

    Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định như sau:

    Điều khoản chuyển tiếp
    1. Cán bộ cấp xã đang giữ chức vụ bầu cử quy định tại khoản 1 Điều 5 mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8; công chức cấp xã đang giữ chức danh quy định tại khoản 2 Điều 5 mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định này thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
    ...

    Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được bầu theo Nghị định 112/2011/NĐ-CP mà không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quy định mới thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày 01/8/2023 phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định.

    Trường hợp hết thời hạn 05 năm mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

    Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thay đổi trình độ đào tạo trong thời gian công tác thì có được xếp lương mới không?

    Căn cứ Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã như sau:

    - Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định này được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

    Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.

    - Trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.

    - Trường hợp người được bầu làm cán bộ cấp xã, được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP mà đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.

    Theo đó, từ ngày 01/8/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thay đổi trình độ đào tạo trong thời gian công tác sẽ được hưởng lương theo trình độ đào tạo mới từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.

    Nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là gì?

    Căn cứ khoản 5 Điều 9 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

    - Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã;

    - Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật;

    - Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật

    - Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật;

    - Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

    - Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã theo quy định của pháp luật;

    - Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền;

    - Các nhiệm vụ khác theo quy định của Đảng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, của pháp luật có liên quan và cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ.

    saved-content
    unsaved-content
    44