Loading

15:43 - 27/11/2024

Có bao nhiêu hình thức trả lương cho người lao động?

Có bao nhiêu hình thức trả lương cho người lao động? Pháp luật quy định thế nào về việc trả lương cho người lao động thông qua người cai thầu?

Nội dung chính

    Có bao nhiêu hình thức trả lương cho người lao động? 

    Căn cứ theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hình thức trả lương cho người lao động như sau:

    Hình thức trả lương
    1. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
    2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
    Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
    3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo quy định trên thì có 3 hình thức trả lương cho người lao động bao gồm: trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

     

    Có bao nhiêu hình thức trả lương cho người lao động?

    Có bao nhiêu hình thức trả lương cho người lao động? (Hình từ internet)

    Pháp luật quy định thế nào về việc trả lương cho người lao động thông qua người cai thầu?

    Căn cứ Điều 100 Bộ luật Lao động 2019 về người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thông qua người cai thầu thì phải bảo đảm các quy định sau:

    - Sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.

    - Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.

    Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

    Người sử dụng lao động không trả lương đúng hạn trong hợp đồng thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm về tiền lương như sau:

    Vi phạm quy định về tiền lương
    ...
    2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; ... theo một trong các mức sau đây:
    a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
    b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
    c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
    d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
    đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
    ...
    5. Biện pháp khắc phục hậu quả
    a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
    ...

    Như vậy, người sử dụng lao động không trả lương đúng hạn trong hợp đồng sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Tùy thuộc vào số lượng người lao động).

    Đồng thời, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm

    Lưu ý, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có nêu:

    Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
    1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Như vậy, mức phạt đối với hành vi không trả lương đúng hạn trong hợp đồng thì mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm cao nhất là 50 triệu đồng, trường hợp vi phạm là các tổ chức như là doanh nghiệp, công ty thì mức xử phạt sẽ gấp đôi cao nhất là 100 triệu đồng.

    saved-content
    unsaved-content
    52