Loading

17:40 - 16/09/2024

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào?

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào? Mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc ra sao?

Nội dung chính

    Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 4 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 34/2022/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

    Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố

    1. Các đơn vị thuộc Ban, gồm:

    a) Văn phòng;

    b) Thanh tra;

    c) Phòng Nghiệp vụ.

    Số lượng cấp phó các đơn vị thuộc Ban thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

    2. Trưởng ban có trách nhiệm ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ban Dân tộc Thành phố.

    3. Việc thành lập hoặc tổ chức lại các đơn vị thuộc Ban Dân tộc Thành phố do Trưởng ban chủ trì, phối hợp Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

    4. Biên chế công chức của Ban Dân tộc Thành phố được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Thành phố được cấp có thẩm quyền giao.

    Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ internet)

    Mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc ra sao?

    Theo Điều 5 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 34/2022/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc như sau:

    Đối với Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc

    1. Ban Dân tộc Thành phố chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Ủy ban Dân tộc.

    2. Ban Dân tộc Thành phố có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc phối hợp giữa Ủy ban nhân dân Thành phố với Ủy ban Dân tộc để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.

    3. Ban Dân tộc Thành phố có trách nhiệm thường xuyên quan hệ chặt chẽ để báo cáo, tiếp nhận các chủ trương, chính sách, các ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện trên lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố.

    Mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với  các sở - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện ra sao?

    Tại Điều 7 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 34/2022/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh quy định về mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với  các sở - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện như sau:

    Đối với các sở - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện

    1. Quan hệ giữa Ban Dân tộc Thành phố với các sở - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện là quan hệ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc Thành phố được Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Dân tộc giao.

    2. Ban Dân tộc Thành phố chủ động bàn bạc, trao đổi, thực hiện công tác phối hợp, cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    3. Khi giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều Sở - ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thì Trưởng ban Ban Dân tộc Thành phố phải chịu trách nhiệm về nội dung phối hợp với các ngành, địa phương đó.

    4. Trưởng ban Ban Dân tộc Thành phố làm việc trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho Phó Trưởng ban làm việc với các cơ quan, đơn vị và địa phương; nếu không thống nhất được công việc có liên quan thì báo cáo lại để xin ý kiến của Trưởng ban và sau đó phải có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chỉ đạo.

    Như vậy, mối quan hệ công tác của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh với các sở - ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện được xác định là quan hệ phối hợp chặt chẽ, dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Dân tộc chủ động trong việc trao đổi, bàn bạc để xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Trưởng ban có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các đơn vị, và trong trường hợp không đạt được sự thống nhất, cần báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân Thành phố. Điều này thể hiện tính linh hoạt và sự chủ động của Ban Dân tộc trong việc thúc đẩy các hoạt động liên quan đến công tác dân tộc, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu và yêu cầu của xã hội.

    saved-content
    unsaved-content
    17