Loading

11:39 - 20/09/2024

Có được hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng hay không?

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng có hủy bỏ được không? Văn bản công chứng bị sai thì có được sửa không? Giá trị pháp lý của văn bản công chứng như thế nào?

Nội dung chính

    Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng có hủy bỏ được không?

    Tại Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:

    1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

    2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

    3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này.

    Như vậy, theo quy định trên hợp đồng đã được công chứng vẫn có thể hủy bỏ nếu như có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người tham gia trong hợp đồng.

    Bạn muốn hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng giữa bạn và anh M thì phải có sự thỏa thuận và cam kết bằng văn bản của cả hai. Việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện tại văn phòng công chứng mà hai người đã công chứng hợp đồng đó.

    Văn bản công chứng bị sai thì có được sửa không?

    Theo Điều 50 Luật Công chứng 2014 quy định sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng như sau:

    1. Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

    2. Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.

    3. Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch.

    Do đó, hiện nay pháp luật chỉ có quy định về việc nếu văn bản công chứng có sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn mà việc sửa không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng thì có thể sửa. Còn nếu việc sửa làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng thì không được sửa văn bản công chứng bị sai đó.

    Giá trị pháp lý của văn bản công chứng như thế nào?

    Căn cứ Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau:

    1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

    2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

    3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

    4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

    Trên đây là những quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng.

     

    saved-content
    unsaved-content
    23