Loading

09:43 - 27/11/2024

Công tác xã hội được hiểu như thế nào? Hoạt động công tác xã hội cần tuân thủ theo những nguyên tắc nào?

Công tác xã hội được hiểu như thế nào? Pháp luật quy định những nguyên tắc nào đối với hoạt động công tác xã hội? Quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội gồm những bước nào?

Nội dung chính

    Công tác xã hội được hiểu như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.
    2. Đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi là đối tượng).

    ...

    Như vậy, công tác xã hội là một lĩnh vực hoạt động nhằm giúp đỡ và hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu vượt qua các khó khăn, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến cuộc sống và môi trường xung quanh.

    Công tác xã hội

    Công tác xã hội (Hình từ Internet)

    Hoạt động công tác xã hội cần tuân thủ theo những nguyên tắc nào?

    Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định về những nguyên tắc của công tác xã hội như sau:

    - Tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

    - Thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống.

    - Tập trung vào điểm mạnh, tận dụng các nguồn lực sẵn có của đối tượng để thúc đẩy việc trao quyền.

    - Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội, bảo đảm đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp và chất lượng.

    - Thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn lực một cách công bằng, minh bạch theo nhu cầu của đối tượng.

    - Tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội, màu da, chủng tộc, vùng miền, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc điểm sức khỏe của đối tượng.

    - Bảo đảm mọi quyết định đưa ra vì lợi ích tốt nhất của đối tượng.

    Quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội gồm những bước nào? Những hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động công tác xã hội?

    Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng gồm các bước sau:

    Bước 1. Tiếp nhận, thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu trợ giúp của đối tượng.

    - Thu thập các thông tin cơ bản của đối tượng, gia đình và thân nhân đối tượng, thông tin của người giám hộ hoặc người chăm sóc và các thông tin liên quan khác của đối tượng (nếu có).

    - Đánh giá toàn diện nhu cầu trợ giúp của đối tượng (theo thứ tự ưu tiên).

    - Tổ chức sàng lọc và phân loại đối tượng.

    Bước 2. Xây dựng kế hoạch trợ giúp đối với đối tượng.

    - Xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với đối tượng và nhu cầu của đối tượng.

    - Chủ trì, phối hợp với đối tượng và các tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng cụ thể về mục tiêu, nội dung hoạt động, khung thời gian, nguồn lực để xây dựng kế hoạch thực hiện trợ giúp đối tượng.

    - Lập hồ sơ quản lý từng đối tượng.

    Bước 3. Thực hiện kế hoạch trợ giúp đối tượng.

    Bước 4. Theo dõi, rà soát, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch trợ giúp.

    Bước 5. Kết thúc quá trình trợ giúp và lưu trữ hồ sơ.

    Lưu ý: Theo Điều 10  Nghị định 110/2024/NĐ-CP thì có 06 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công tác xã hội bao gồm các hành vi sau:

    - Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

    - Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

    - Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

    - Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

    - Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

    - Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    saved-content
    unsaved-content
    66