Loading

18:06 - 12/12/2024

Công ty không đăng ký nội quy lao động có bị phạt không?

Công ty có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động không? Công ty không đăng ký nội quy lao động có bị phạt không? Nội dung của nội quy lao động bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Công ty có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    Đăng ký nội quy lao động
    1. Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.

    Theo đó, không phải mọi trường hợp công ty bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động. Trường hợp bắt buộc khi công ty sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì mới phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.

    Công ty không đăng ký nội quy lao động có bị phạt không?

    Công ty không đăng ký nội quy lao động có bị phạt không? (Hình từ Internet)

    Công ty không đăng ký nội quy lao động có bị phạt không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

    Vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất
    ...
    2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
    a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
    b) Không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật;
    c) Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động;
    d) Sử dụng nội quy lao động chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;
    đ) Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;
    e) Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
    g) Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.
    ...

    Đồng thời căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tại điều trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Do đó, trường hợp công ty không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

    Nội dung của nội quy lao động bao gồm những gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động gồm những nội dung chủ yếu sau:

    - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ giải lao ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương;

    - Trật tự tại nơi làm việc: quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động;

    - An toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: trách nhiệm chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc;

    - Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: người sử dụng lao động quy định về phòng, chống quấy rối tình dục theo quy định tại Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP này;

    - Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: quy định danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ; trách nhiệm, biện pháp được áp dụng để bảo vệ tài sản, bí mật; hành vi xâm phạm tài sản và bí mật;

    - Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động: quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Bộ luật Lao động 2019;

    - Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: quy định cụ thể hành vi vi phạm kỷ luật lao động; hình thức xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hành vi vi phạm;

    - Trách nhiệm vật chất: quy định các trường hợp phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản; do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản hoặc tiêu hao vật tư quá định mức; mức bồi thường thiệt hại tương ứng mức độ thiệt hại; người có thẩm quyền xử lý bồi thường thiệt hại;

    - Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động: người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động 2019 hoặc người được quy định cụ thể trong nội quy lao động.

    saved-content
    unsaved-content
    82