Loading

10:14 - 05/11/2024

Gửi đồ nhưng bị mất xử lý thế nào?

Tôi nhờ người cầm hộ đồ nhưng khi họ giao lại cho tôi thì tôi phát hiện tôi đã bị mất. Vậy xin hỏi ai là người chịu trách nhiệm chuyện này?

Nội dung chính

    Gửi đồ nhưng bị mất xử lý thế nào?

    Trước tiên, với những thông tin bạn đưa ra thì chúng tôi hiểu rằng bạn chỉ đơn thuần nhờ người khác giữ đồ của mình, giữa hai bên chỉ ngầm hiểu rằng bên được bạn nhờ sẽ quản lý, trong nom tài sản của bạn trong một thời gian nhất định và không hề có mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Đồng thời, sau khi nhận đồ về thì bạn có phát hiện tài sản của mình nhờ người đó cầm hộ đã bị mất mát một phần.

    Khoản 1 Điều 124 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

    “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

    Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.”

    Đồng thời, Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hình thức của hợp đồng dân sự như sau:

    “Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự
    1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
    2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
    Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

    Như vậy, pháp luật thừa nhận có những hợp đồng nhất định có thể được giao kết bằng lời nói. Cũng cần thấy rằng, nội dung vụ việc liên quan đến hoạt động cầm giữ tài sản và trong các điều khoản từ Điều 559 đến Điều 566 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản thì không có quy định hình thức bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản. Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, giữa bạn và người bạn nhờ trông giữ đồ đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật (trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công- Điều 559 Bộ luật dân sự 2005).

    Từ đó, hướng giải quyết vụ việc như sau: căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự 2005 thì người nhận gửi giữ có nghĩa vụ:

    “1.Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;
    2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;
    3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;
    4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”

    Từ đó có thể thấy, trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường phần tài sản bị mất mát trong quá trình gửi giữ thuộc về người nhận gửi giữ, chính là người bạn nhờ trông đồ. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng đó là chứng minh sự mất mát về tài sản. Theo nguyên tắc của pháp luật dân sự thì ai có yêu cầu thì cũng có nghĩa vụ chứng minh, đưa ra các bằng chứng cho yêu cầu đó. Cần thấy rằng trong trường hợp của bạn thì việc chứng minh là tương đối khó, bởi tại thời điểm giao kết hợp đồng thì việc cung cấp thông tin về tài sản gửi giữ đã không được bạn thực hiện.

    Trong trường hợp giá trị phần tài sản mất mát lớn và không chứng minh được trách nhiệm bồi thường của người cầm giữ thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi nêu trên. Cụ thể, với những thông tin bạn đưa ra thì chúng tôi cho rằng, hành vi của người bạn nhờ trông giữ tài sản có những dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.

    "Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
    1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
    a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
      b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
    c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
    d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
    đ) Tái phạm nguy hiểm;
    e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
    b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
    a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
    b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này."

    Theo quy định trên thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hinh thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này, nếu dưới bốn triệu đồng thì phải hội đủ các điều kiện khác của điều luật như gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phạm vào tội lạm dung tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

    Có thể thấy, bạn và người đó đã xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản, người đó nhận được tài sản từ bạn bằng hình thức hợp đồng gửi giữ tài sản rồi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn. Nếu tài sản của bạn có giá trị từ 4 triệu đồng thì sẽ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu dưới 4 triệu đồng thì cần phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nêu trên. Tuy nhiên bạn cần phải chứng minh được thời điểm bạn nhờ người đó giữ đồ có tài sản của bạn và khi nhận lại đã bị mất tài sản. Bạn có thể gửi đơn lên cơ quan công an nhờ giải quyết. 

    saved-content
    unsaved-content
    287
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ