Loading

13:59 - 13/09/2024

Hằng năm giáo viên mầm non phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bao nhiêu tuần?

Hằng năm giáo viên mầm non phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bao nhiêu tuần? Hiệu trưởng trường mầm non phải dạy trẻ bao nhiêu giờ trong một tuần? Giáo viên mầm non được kiêm nhiệm bao nhiêu chức danh?
Xin chào ban biên tập, em mới xin vào làm giáo viên mầm non một trường công lập, em nghe nói hằng năm giáo viên mầm non sẽ phải học, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thì không biết phải học, bồi dưỡng trong mấy tuần? Em thấy hiệu trưởng trường hầu như chẳng dạy tiết nào hay bắt buộc phải dạy vài tiết? Xin được giải đáp.

Nội dung chính

    Hằng năm giáo viên mầm non phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bao nhiêu tuần?

    Căn cứ Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:

    1. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó:

    a) 35 tuần làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (sau đây gọi chung là dạy trẻ);

    b) 04 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

    c) 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

    d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

    2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

    a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);

    b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành.

    Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

    Như vậy, hằng năm giáo viên mầm non phải thực hiện học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ 04 tuần theo quy định trên.

    Hằng năm giáo viên mầm non phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bao nhiêu tuần? (hình ảnh từ internet)

    Hiệu trưởng trường mầm non phải dạy trẻ bao nhiêu giờ trong một tuần?

    Theo Điều 4 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định giờ dạy của giáo viên như sau:

    1. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

    2. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

    3. Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.

    4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.

    Theo đó, hiệu trưởng trường mầm non phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần. 

    Giáo viên mầm non được kiêm nhiệm bao nhiêu chức danh?

    Tại Điều 5 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ giảm giờ dạy và quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy như sau:

    1. Chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên làm công tác kiêm nhiệm

    a. Giáo viên kiêm nhiệm công tác bí thư chi bộ nhà trường, chủ tịch công đoàn giáo dục nhà trường, chủ tịch Hội đồng trường, thư ký Hội đồng trường, bí thư Đoàn thanh niên được giảm 02 giờ dạy/tuần; (đã bị thay thế bởi Khoản 2 Điều 5 Thông tư 08/2016/TT-BGDĐT)

    b. Giáo viên kiêm nhiệm công tác trưởng ban thanh tra nhân dân được giảm 02 giờ dạy/tuần;

    c. Giáo viên kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn được giảm 03 giờ dạy/tuần;

    d. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 chức danh và được hưởng chế độ giảm giờ dạy ở chức danh cao nhất.

    2. Chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên nữ: giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống được giảm 05 giờ dạy/tuần.

    3. Quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy

    Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của Hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra giờ dạy để tính số giờ dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:

    a) Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra thì thời gian làm việc một buổi được tính bằng 04 giờ dạy; (đã bị bãi bỏ)

    b) Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 01 tiết giảng dạy thực tế được tính bằng 01 giờ dạy.

    Như vậy, mỗi giáo viên mầm non được kiêm nhiệm tối đa 02 chức danh và được hưởng chế độ giảm giờ dạy ở chức danh cao nhất.

    saved-content
    unsaved-content
    14