Loading

13:34 - 07/12/2024

Hành vi ngoại tình với người đã có gia đình thì có bị phạt tù không?

Quy định hiện hành về hành vi ngoại tình với người đã có gia đình theo quy định của pháp luật.

Nội dung chính

    Hành vi ngoại tình là gì?

    Trong các văn bản pháp luật, không tồn tại khái niệm "ngoại tình." Đây là thuật ngữ phổ biến trong đời sống hàng ngày, dùng để chỉ mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân giữa vợ hoặc chồng với người thứ ba, khi hai người đã chính thức đăng ký kết hôn.

    Hiểu một cách đơn giản, "ngoại tình" ám chỉ hành vi của một người đã kết hôn (vợ hoặc chồng) có tình cảm hoặc phát sinh mối quan hệ thân mật với người không phải là bạn đời hợp pháp của mình. Mối quan hệ hôn nhân này đã được pháp luật công nhận và bảo vệ thông qua việc đăng ký kết hôn

    Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hành vi cấm trong chế độ hôn nhân gia đình như sau:

    Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
    ...
    2. Cấm các hành vi sau đây:
    a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
    b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
    c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
    d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
    đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
    e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
    g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
    h) Bạo lực gia đình;
    i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
    ...

    Vậy căn cứ theo quy định trên thì ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật.

    Hành vi ngoại tình với người đã có gia đình thì có bị phạt tù không? (Hình từ internet)

    Hành vi ngoại tình có bị phạt tù?

    Căn cứ tại khoản 3.2 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

    Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.

    Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...

    - Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

    Ngoài ra căn cứ tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:

    (1) Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    - Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

    (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    - Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

    - Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

    Như vậy căn cứ các điều trên thì hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất từ 6 tháng đến 3 năm.

    Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ngoại tình là bao nhiêu?

    Căn cứ Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:

    Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    (1) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

    (2) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

    (3) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

    (4) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

    (5) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    (1) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

    (2) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

    (3) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

    (4) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

    (5) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

    Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

    saved-content
    unsaved-content
    119