Loading

11:12 - 11/11/2024

Hướng dẫn thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán

Hướng dẫn thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán được quy định như thế nào? Đang tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Nhưng có thắc mắc mong muốn nhờ giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán được hướng dẫn như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Hướng dẫn thực hiện việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán

    Việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định 07/2017/QĐ-KTNN Quy trình kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước, cụ thể như sau:

    a) Xác định thông tin cần thu thập

    (i) Những thông tin cần thu thập về chương trình, hoạt động của chủ đề kiểm toán

    - Quyết định phê duyệt chương trình, hoạt động, các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách điều hành chương trình, hoạt động,... (nêu rõ số, ngày và cấp quyết định của văn bản)...

    - Mục tiêu của chương trình, hoạt động; đối tượng được hưởng lợi.

    - Nội dung của chương trình, hoạt động.

    - Thời gian thực hiện, phạm vi triển khai chương trình, hoạt động.

    - Tổng mức đầu tư/tổng kinh phí thực hiện của chương trình, hoạt động (nếu có); tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình, hoạt động (trong đó: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ quốc tế, vốn do dân đóng góp, vốn tín dụng, ...); đề án được duyệt của chương trình, hoạt động (Trung ương, địa phương).

    - Cơ chế quản lý tài chính chương trình, hoạt động: Lập và phân bổ kế hoạch vốn; cơ chế cấp phát, thanh toán vốn; quản lý chi tiêu (nêu rõ đối với từng loại: Chi sự nghiệp, chi đầu tư xây dựng cơ bản); quyết toán vốn (nêu nhiệm vụ của từng cấp: cơ quan Trung ương, địa phương).

    - Kết quả thực hiện mục tiêu của chương trình, hoạt động theo thành phần và tổng thể.

    - Tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến hoạt động thời kỳ sẽ kiểm toán, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

    - Một số thuận lợi, khó khăn chủ yếu khi thực hiện chương trình, hoạt động.

    (ii) Những thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ

    - Môi trường kiểm soát nội bộ: Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ máy quản lý chương trình, hoạt động (Trung ương, địa phương) và cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, hoạt động (khái quát chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận); hình thức quản lý thực hiện; chính sách, quy chế quản lý nội bộ của đơn vị về giám sát thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán; tài chính - kế toán, nhân sự...

    - Hoạt động kiểm soát và các thủ tục kiểm soát: Việc thực hiện các quy chế quản lý trong các khâu lập và trình duyệt kế hoạch, giám sát thực hiện, nghiệm thu, thanh quyết toán.

    - Công tác kế toán tại các đơn vị thực hiện chương trình, hoạt động: Chính sách kế toán áp dụng; tổ chức bộ máy kế toán; tổ chức hạch toán kế toán: hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo kế toán; (nêu rõ tại cơ quan quản lý tổng hợp, chủ trì thực hiện và các đơn vị tham gia thực hiện chương trình, hoạt động).

    - Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản khác liên quan tới việc chuẩn bị, tổ chức, điều hành, quản lý, thực hiện chương trình, hoạt động; các văn bản cam kết tài trợ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp về kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình, hoạt động.

    - Kiểm toán, thanh tra và kiểm tra nội bộ: Tình hình kiểm toán, thanh tra và kiểm tra nội bộ.

    - Công tác giám sát, kiểm tra thực hiện chương trình, hoạt động của các cấp từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện và quyết toán kinh phí.

    (iii) Các hoạt động chính của chương trình, hoạt động

    (iv) Các bên có liên quan đến chủ đề kiểm toán

    (v) Các rủi ro trong quá trình quản lý, thực hiện chương trình, hoạt động

    (vi) Các nguồn lực để quản lý, thực hiện chương trình, hoạt động

    b) Xác định nguồn thu thập thông tin

    (i) Thông tin từ đơn vị quản lý và đơn vị thực hiện chương trình, hoạt động

    - Thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan đến chương trình, hoạt động: Quyết định phê duyệt chương trình, hoạt động, các quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện của cấp có thẩm quyền (Trung ương, địa phương); quyết định về tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, hoạt động; các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc tổ chức thực hiện chương trình, hoạt động; hiệp định vay vốn và những quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ liên quan đến quản lý, sử dụng vốn vay (nếu có); các văn bản trao đổi giữa các bên tham gia quản lý, thực hiện chương trình, hoạt động; báo cáo quyết toán tài chính; báo cáo tình hình thực hiện, tình hình thanh toán, tạm ứng, các báo cáo kế toán, thống kê theo quy định của Nhà nước; báo cáo sơ kết tổng kết, những thông tin, những chỉ tiêu có liên quan đến đối tượng hưởng lợi từ chương trình/hoạt động; báo cáo giám sát việc thực hiện chương trình, hoạt động; các báo cáo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (nếu có).

    - Các báo cáo bằng văn bản của đơn vị hoặc phỏng vấn trực tiếp cơ quan quản lý chương trình, hoạt động các nội dung cần thu thập.

    (ii) Thông tin từ bên ngoài đơn vị thực hiện chương trình, hoạt động

    - Cơ quan cấp trên.

    - Cơ quan cấp phát vốn; cơ quan kiểm soát, thanh, quyết toán vốn.

    - Cơ quan đã, đang tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

    - Các phương tiện thông tin đại chúng.

    - Các đơn vị khác (nếu có).

    (iii) Nguồn thông tin khác

    Kiểm toán viên nhà nước có thể thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn và hàng năm; dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; báo cáo tiến độ các chương trình, dự án; báo cáo của các cơ quan Chính phủ, địa phương hàng năm; các báo cáo kiểm toán và báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị trước đây; các phiên thảo luận và chất vấn của Quốc hội; các nội dung được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông…

    c) Xác định phương pháp thu thập thông tin

    - Đánh giá tài liệu của các lần kiểm toán trước.

    - Thu thập và đánh giá tài liệu từ các nguồn khác nhau.

    - Phỏng vấn, trao đổi trực tiếp, sử dụng bảng hỏi.

    - Quan sát, thực nghiệm.

    Trên đây là nội dung câu trả lời về việc hướng dẫn khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Quyết định 07/2017/QĐ-KTNN.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    59
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ