Loading

08:52 - 27/09/2024

Khai sinh cho con trước khi bố mẹ đăng ký kết hôn thế nào?

Khai sinh cho con trước khi bố mẹ đăng ký kết hôn thế nào? Không đăng ký kết hôn, không làm thủ tục nhận cha con có được mang họ cha không? Thay đổi tên đệm trong giấy khai sinh theo giấy đăng ký kết hôn được không?

Nội dung chính

    Khai sinh cho con trước khi bố mẹ đăng ký kết hôn thế nào?

    Tôi có sinh bé đc 3 tháng tuổi nhưng 2 vợ chồng đến bây giờ mới đăng ký kết hôn vậy tôi muốn hỏi là có con trước khi đăng ký kết hôn khi đi làm khai sinh cho con cần thủ tục gì ạ?

    Trả lời:

    Khoản 3 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định như sau:

    Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
    Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

    Do đó, trường hợp bạn đi đăng ký khai sinh cho con được sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

    Bạn tiến hành đăng ký khai sinh cho con tại UBND xã nơi cư trú của cha, mẹ. Hồ sơ bạn cần chuẩn bao gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

    - Tờ khai đăng ký khai sinh;

    - Giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

    - Giấy chứng nhận kết hôn;

    - Văn bản thỏa thuận thừa nhận là con chung;

    - Bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

    Không đăng ký kết hôn, không làm thủ tục nhận cha con có được mang họ cha không?

    Ban biên tập cho tôi hỏi trường hợp. Không thực hiện việc đăng ký kết hôn cũng không làm thủ tục nhận cha con thì con có được mang họ cha không? 

    Trả lời:

    Tại Khoản 1a Điều 1 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:

    Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì họ của bé khi thực hiện thủ tục khai sinh sẽ được xác định theo sự thỏa thuận giữa cha và mẹ. Họ cha và họ mẹ được xác định trong giấy đăng ký kết hôn của cha và mẹ.

    Theo quy định tại Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định 123/2015/NĐ-CP, có quy định về hồ sơ đăng ký khai sinh của trẻ như sau:

    - Tờ khai theo mẫu;

    - Giấy chứng sinh (Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

    - Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ.

    Người đi khai sinh cho trẻ phải xuất trình được giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú, chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có)

    Như vậy, để được mang họ cha thì phải xuất trình được giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ. Trường hợp không đăng ký kết hôn thì phải làm thủ tục nhận cha con khi đăng ký khai sinh cho con theo quy định như sau.

    Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP "Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

    Thay đổi tên đệm trong giấy khai sinh theo giấy đăng ký kết hôn được không?

    Trong giấy đăng ký kết hôn thì tên tôi là Nguyễn Hồng Phước tuy nhiên trong giấy khai sinh thì tên tôi lại là Nguyễn Văn Phước. Vậy tôi có thể thay đổi thay đổi tên trong giấy khai sinh theo giấy đăng ký kết hôn được không? Mong ban biên tập hỗ trợ.

    Trả lời:

    Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giá trị của giấy khai sinh như sau:

    - Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

    - Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

    - Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

    Như vậy, trong trường hợp của bạn thì bạn chỉ có thể điều chỉnh tên đệm trong giấy đăng ký kết hôn để giống với tên đệm trong giấy khai sinh. Vì theo quy định thì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh nếu như có sai sót.

    Trân trọng!

    saved-content
    unsaved-content
    939
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ