Loading

21:34 - 29/11/2024

Lưu học sinh Lào theo diện Hiệp định gồm những đối tượng nào?

Mức hỗ trợ chi sinh hoạt phí cho lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn theo diện Hiệp định là bao nhiêu? Các hệ đào tạo nào áp dụng cho lưu học sinh Lào sang Việt Nam khi tham gia đào tạo dài hạn?

Nội dung chính

    Lưu học sinh Lào gồm những đối tượng nào? Đào tạo dài hạn theo diện Hiệp định gồm các hệ đào tạo nào?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 75/2023/TT-BTC thì lưu học sinh gồm những đối tượng sau:

    Cán bộ, học sinh, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam theo các hiệp định, Biên bản kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp được ký kết giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

    Đồng thời, căn cứ vào khoản 3 Điều 2 Thông tư 75/2023/TT-BTC quy định thì lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn theo diện Hiệp định bao gồm các hệ đào tạo như: các hệ đào tạo trung học phổ thông; trung cấp, cao đẳng nghề; đại học và sau đại học theo quy định, có thời gian đào tạo từ 12 tháng trở lên; và các khóa bồi dưỡng tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào các hệ này.

    Lưu học sinh Lào

    Lưu học sinh Lào gồm những đối tượng nào? Đào tạo dài hạn theo diện Hiệp định gồm các hệ đào tạo nào? (Hình từ internet)

    Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học theo diện Hiệp định được cấp sinh hoạt phí là bao nhiêu?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 75/2023/TT-BTC quy định chi sinh hoạt phí:

    Chi sinh hoạt phí
    Chi sinh hoạt phí gồm phụ cấp tiêu vặt và tiền ăn, được cơ sở đào tạo cấp cho lưu học sinh theo định mức sau:
    1. Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung học phổ thông, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào hệ trung học phổ thông: 4.300.000 đồng/người/tháng.
    2. Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ trung cấp, cao đẳng nghề; đại học, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào các hệ này: 4.750.000 đồng/người/tháng.
    3. Lưu học sinh đào tạo dài hạn hệ sau đại học, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào hệ sau đại học: 5.350.000 đồng/người/tháng.

    Như vậy, lưu học sinh Lào đào tạo dài hạn hệ sau đại học, bao gồm cả khóa học dự bị tiếng Việt để thi tuyển, xét tuyển vào hệ sau đại học sẽ được cấp sinh hoạt phí 5.350.000 đồng/người/tháng.

    Lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn tập trung theo diện Hiệp định có được hỗ trợ chi phí đi lại không?

    Lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn theo diện Hiệp định có được hỗ trợ chi phí đi lại không, thì theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 75/2023/TT-BTC như sau:

    Hỗ trợ chi phí đi lại
    1. Đối với lưu học sinh hệ dài hạn tập trung, hệ ngắn hạn: được hỗ trợ 01 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông (vé sang Việt Nam khi nhập học và vé lượt về nước khi tốt nghiệp) và lệ phí sân bay, cước hành lý thêm ngoài vé (20kg) theo thực tế theo tuyến đường tiết kiệm chi phí nhất.
    ...

    Như vậy, lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn tập trung theo diện Hiệp định được hỗ trợ chi phí đi lại cụ thể:

    - Được hỗ trợ 01 vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông (vé sang Việt Nam khi nhập học và vé lượt về nước khi tốt nghiệp);

    - Lệ phí sân bay, cước hành lý thêm ngoài vé (20kg) theo thực tế theo tuyến đường tiết kiệm chi phí nhất.

    Kinh phí đào tạo lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo dài hạn được sử dụng vào những khoản chi nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 75/2023/TT-BTC thì kinh phí đào tạo lưu học sinh Lào sang Việt Nam tham gia đào tạo ngắn hạn dùng để chi những nội dung sau:

    (1) Chi thường xuyên:

    Bao gồm các khoản chi phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, trong đó bao gồm cả chi phí biên dịch, phiên dịch tài liệu (nếu có); chi đi học tập, khảo sát thực tế cho các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (nếu có); chi hỗ trợ tiền ở cho lưu học sinh.

    (2) Các khoản chi một lần cho cả khóa học:

    Bao gồm các khoản chi hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, thực hành và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt của lưu học sinh ở tại ký túc xá; chi tham quan; chi làm hồ sơ thủ tục nhập học; chi tổng kết, kết thúc khóa học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp; chi phí gia hạn thị thực trong trường hợp thời gian thị thực được cấp ngắn hơn thời gian khóa học; chi tặng phẩm, chi khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích cao trong học tập, rèn luyện tại cơ sở đào tạo; chi đón và tiễn lưu học sinh đi và về tại sân bay quốc tế Việt Nam.

    (3) Chi khác:

    Chi khám bệnh tổng thể đầu khóa học; chi khám bệnh tổng thể định kỳ hàng năm; chi mua bảo hiểm y tế; chi hỗ trợ thêm nhân ngày Quốc khánh Việt Nam và Quốc khánh nước bạn, Tết cổ truyền Việt Nam và Tết cổ truyền nước bạn; chi các nội dung khác theo thực tế của hệ đào tạo ngắn hạn (không vượt quá 5% định mức chi hệ đào tạo ngắn hạn quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này) gồm: chi thăm hỏi, trợ cấp ốm đau đột xuất đối với lưu học sinh; chi hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, giao lưu văn hóa, thể thao cho lưu học sinh theo quy định.

    saved-content
    unsaved-content
    71