Loading

08:36 - 19/12/2024

Mẫu kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử? Những mục tiêu của môn Ngữ Văn lớp 7 là gì?

Học sinh tham khảo một số mẫu kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mới nhất!

Nội dung chính


    Mẫu kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử?

    Các bạn học sinh sẽ được thực hành viết kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử ở chương trình môn Ngữ Văn lớp 7. Vì vậy các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo các mẫu bài viết kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử ngắn gọn dưới đây:

    Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 1:

    Đất nước có được nền hòa bình ngày hôm nay, không biết bao cha anh đã ngã xuống, không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một tấm gương sáng trong số những người anh hùng như vậy.

    Anh Kim Đồng là người dân tộc Tày. Cha mất sớm, anh sống cùng mẹ - một người phụ nữ đảm đang nhưng ốm yếu. Sống trong cảnh đất nước bị xâm lược nên từ nhỏ, Kim Đồng đã dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh rất hăng hái làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Anh được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Anh không ngại khó khăn, thử thách, nguy hiểm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị giặc Pháp bắn và hi sinh. Khi ấy, anh mới chỉ 14 tuổi. Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát được sáng tác để ghi nhớ công ơn của anh.

    Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ luôn sáng mãi, là tấm gương cho thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ, lòng dũng cảm, trung kiên với Tổ quốc

    Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 2:

    Tháng tư vừa rồi, trường em có tổ chức một buổi tham quan nằm trong chuỗi hoạt động ngoại khóa của trường. Điểm đến lần này là Đền Hùng tại Việt Trì-Phú Thọ. Đây là nơi thờ phụng các đời Vua Hùng và tôn thất của nhà vua. Nơi đây gắn với Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Đây là một dịp để thế hệ con cháu đến viếng đền, tưởng nhớ đến những người đã có công dựng nước.

    Em đã được nghe nhiều câu chuyện về các Vua Hùng qua các sự tích nổi tiếng như Sự tích bánh chưng bánh dày, Sơn Tinh Thủy Tinh… và thấy được sự uy nghiêm và trí tuệ của các vị vua. Điều đó khiến tôi càng mong đợi chuyến đi này hơn.

    Dưới chân núi là khung cảnh uy nghiêm, hùng vĩ của núi Nghĩa Lĩnh với rừng cây và sương mù bao phủ. Nơi thờ các vị vua được đặt trên núi với ba đền chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Đền Trung là nơi các vị vua họp bàn chính sự. Đền Thượng là lăng thờ Hùng Vương thứ sáu. Lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.

    Trước khi đi tham quan các đền, chúng tôi được làm lễ dâng hương và nghe diễn thuyết về các vị Vua Hùng. Không khí trang nghiêm, hào hùng ấy khiến tôi không khỏi tự hào về lịch sử dân tộc mình. Họ đã dựng nước, giữ nước để đời sau con cháu được hưởng thụ nền độc lập, hòa bình ấy. Và nay chúng em đến đây để thể hiện lòng biết ơn, sự tôn trọng của mình đối họ, thể hiện đúng truyền thống đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Họ đã gây dựng nền móng cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa hiện tại và chúng em đều biết ơn điều đấy.

    Sau đó, chúng em được đi thăm các đền thờ vua trên núi. Cách trang trí, sắp xếp các di vật đều được bố trí một cách ngay ngắn, trang nghiêm. Em ấn tượng với tấm bia ở đền Hạ khắc dòng chữ của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước.” Nó như một lời hứa hẹn Bác thay thế hệ trẻ nói lên trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước.

    Đó thực sự là một chuyến đi đầy bổ ích và ý nghĩa. Mặc dù nó chỉ kéo dài trong một buổi sáng ngắn ngủi nhưng nó đã giúp em hiểu ra trách nhiệm của mình đối với đất nước. Phải biết kính trọng, biết ơn thế hệ đi trước đặc biệt là các vị Vua Hùng và phải ghi nhớ:

    “Dù ai đi ngược về xuôi

    Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”

    Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 3:

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của người là một tấm gương sáng ngời cho mỗi người dân Việt Nam noi theo. Và những câu chuyện về Người cũng luôn để lại bài học giá trị cho chúng ta.

    Truyện kể rằng trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:

    - Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

    Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

    - Các chú đã chia đều rồi chứ?

    Hai đồng chí trả lời:

    - Thưa Bác, rồi ạ!

    Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

    - Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

    Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

    Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:

    - Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

    Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.

    Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Có thể thấy, Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp cho mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.

    Quả thật, những câu chuyện về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ý nghĩa. Từ đó, chúng ta luôn nhận ra được nhiều bài học bổ ích cho bản thân.

    Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử - mẫu 4:

    Bấy giờ, giặc Nguyên cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm nước ta. Thấy sứ giặc ngang ngược, Trần Quốc Toản vô cùng căm giận.

    Sáng nay, nhà vua họp bàn việc nước dưới thuyền rồng. Quốc Toản biết vậy nên quyết đợi gặp vua để nói hai tiếng “xin đánh”. Đợi từ sáng đến trưa, cậu vẫn không gặp được vua, bèn liều chết xô mấy người lính gác ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Thấy vậy, quân lính ập đến. Quốc Toản đỏ bừng mặt, rút gươm và quát lớn:

    - Ta xuống diện kiến bệ hạ, kẻ nào dám ngăn cản.

    Đúng lúc, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, vua và các quan ra ngoài mui thuyền.

    Quốc Toản chạy đến, quỳ xuống tâu:

    - Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ hãy cho đánh!

    Nói rồi, cậu đặt gươm lên gáy, xin chịu tội.

    Nhà vua cho truyền Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn nói:

    - Quốc Toản làm trái phép nước, đáng lẽ phải trị tội. Nhưng xét nghĩ em còn nhỏ tuổi mà đã biết lo việc nên, ta có lời khen ngợi.

    Nói rồi, vua sai người ban cho Quốc Toản một quả cam. Cậu tạ ơn vua rồi lên bờ mà ấm ức. Cậu thầm nghĩ: “Vua ban cho cam quý nhưng vẫn coi ta là trẻ con, không cho bàn việc nước”.

    Quốc Toản nghĩ đến quân giặc đang bóc lột nhân dân, mà lòng đầy căm giận. Cậu bóp nát trái cam trong tay lúc nào không hay. Đến khi mọi người ùa tới hỏi han. Cậu xòe tay ra mới biết trái cam đã nát.

    (Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo)

    Xem thêm

    >>> Có được vận động tài trợ chi phí giữ xe của học sinh tại trường mầm non không?

    >>> Trường hợp nào được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non?

    >>> Mẫu bài thuyết minh danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử?

    >>> Mẫu viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong tác phẩm văn học môn Ngữ văn lớp 7 ngắn gọn?

    >>> Phân tích nhân vật thầy Đuy sen trong Người thầy đầu tiên môn Ngữ văn lớp 7?

    Mẫu kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử?

    Mẫu kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử? (Hình ảnh từ Internet)

    Tại sao lại gọi là môn Ngữ Văn lớp 7 mà không phải là môn Tiếng Việt lớp 7?

    Căn cứ theo Mục 1 Phụ lục Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về đặc điểm của môn học ở tất cả các cấp học nói chung và lớp 7 nói riêng như sau:

    Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học, được học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học này có tên là Tiếng Việt; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

    Như vậy, có thể thấy rằng ở cấp tiểu học môn học này có tên là Tiếng Việt còn ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có tên là Ngữ văn.

    Những mục tiêu của môn Ngữ Văn lớp 7 là gì?

    Căn cứ theo Mục 3 Phụ lục Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về mục tiêu của các cấp học, trong đó mục tiêu của cấp trung học cơ sở đối với môn ngữ văn sẽ như sau:

    - Giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất tốt đẹp đã được hình thành ở tiểu học; nâng cao và mở rộng yêu cầu phát triển về phẩm chất với các biểu hiện cụ thể như: biết tự hào về lịch sử dân tộc và văn học dân tộc; có ước mơ và khát vọng, có tinh thần tự học và tự trọng, có ý thức công dân, tôn trọng pháp luật.

    - Tiếp tục phát triển các năng lực chung, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học đã hình thành ở cấp tiểu học với các yêu cầu cần đạt cao hơn. Phát triển năng lực ngôn ngữ với yêu cầu:

    Phân biệt được các loại văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin; đọc hiểu được cả nội dung tường minh và nội dung hàm ẩn của các loại văn bản; viết được đoạn và bài văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng hoàn chỉnh, mạch lạc, logic, đúng quy trình và có kết hợp các phương thức biểu đạt; nói dễ hiểu, mạch lạc; có thái độ tự tin, phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp; nghe hiểu với thái độ phù hợp.

    Phát triển năng lực văn học với yêu cầu: phân biệt được các thể loại truyện, thơ, kí, kịch bản văn học và một số tiểu loại cụ thể; nhận biết được đặc điểm của ngôn ngữ văn học, nhận biết và phân tích được tác dụng của những yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với mỗi thể loại văn học; nhận biết được giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ; phân tích được tính hình tượng, nội dung và hình thức của tác phẩm văn học; có thể tạo ra được một số sản phẩm có tính văn học.

    saved-content
    unsaved-content
    1334