Mẫu viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên núi lửa lớp 8? Yêu cầu về kĩ năng viêt của học sinh lớp 8?
Nội dung chính
Mẫu viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên núi lửa lớp 8?
Dưới đây là mẫu bài viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên núi lửa mà học sinh lớp 8 có thể tham khảo:
Mẫu 1:
Núi lửa là một trong những hiện tượng tự nhiên gây ấn tượng mạnh mẽ, thể hiện sức mạnh tiềm ẩn của Trái Đất. Sự phun trào của núi lửa xảy ra khi magma, dung nham nóng chảy nằm sâu trong lòng đất, bị đẩy lên mặt đất bởi áp suất khổng lồ từ các tầng sâu trong vỏ Trái Đất. Sự phun trào này tạo ra một cảnh tượng đầy sức sống và mãnh liệt, nhưng cũng mang lại nhiều hiểm họa cho con người. Quá trình hình thành núi lửa gắn liền với hoạt động của các mảng kiến tạo. Trái Đất được chia thành nhiều mảng kiến tạo lớn, giống như những tấm ghép. Khi các mảng này dịch chuyển hoặc va chạm, áp lực sinh ra khiến magma từ lớp dưới cùng của vỏ Trái Đất bị đẩy lên, hình thành núi lửa. Chính vì vậy, núi lửa thường tập trung nhiều ở những vùng có hoạt động địa chất mạnh, ví dụ như “Vành đai Lửa” bao quanh Thái Bình Dương. Khi núi lửa phun trào, dòng magma nóng chảy sẽ trở thành dung nham, chảy ra từ miệng núi và lan tỏa xuống các vùng xung quanh. Tro bụi, đá nóng cũng bị đẩy lên không trung, tạo thành những đám mây dày đặc. Các đợt phun trào lớn có thể tạo ra tiếng nổ vang trời và các cột khói cao hàng nghìn mét. Tro bụi từ núi lửa bay lên không trung có thể che phủ mặt trời, gây ra hiện tượng khí hậu lạnh tạm thời, gọi là “mùa đông núi lửa”. Núi lửa có thể được phân thành ba nhóm chính: núi lửa hoạt động, ngủ yên và đã tắt. Núi lửa hoạt động là những ngọn núi vẫn phun trào hoặc có khả năng phun trào trong tương lai gần. Núi lửa ngủ yên chưa hoạt động trong thời gian dài nhưng vẫn có nguy cơ phun trào. Núi lửa đã tắt là những núi không còn phun trào do cấu trúc địa chất bên dưới đã ổn định. Tác động của núi lửa đến cuộc sống con người rất phức tạp. Một mặt, khi phun trào, núi lửa có thể gây ra những trận lũ bùn đá, phá hủy nhà cửa và đường sá. Hơi nóng từ dung nham có thể làm cháy rừng và gây thiệt hại nặng nề cho môi trường. Tuy nhiên, núi lửa cũng mang lại nhiều lợi ích. Dung nham khi nguội đi tạo thành lớp đất màu mỡ, giúp cây trồng phát triển tốt. Những vùng đất núi lửa như ở Hawaii hay Indonesia rất giàu khoáng sản, cung cấp tài nguyên quý giá cho con người. Qua hiện tượng núi lửa, chúng ta thấy rằng thiên nhiên vừa mang trong mình những sức mạnh hủy diệt, vừa có khả năng tạo ra những lợi ích to lớn. Việc hiểu và nghiên cứu về núi lửa giúp con người có thể ứng phó tốt hơn trước các thảm họa tự nhiên và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên mà Trái Đất ban tặng. |
Mẫu 2:
Núi lửa là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt mà khi xảy ra, nó khiến con người cảm nhận rõ sức mạnh khủng khiếp của Trái Đất. Núi lửa hình thành khi magma từ sâu trong lòng đất được đẩy lên qua các ống phun và thoát ra ngoài ở bề mặt. Khi phun trào, núi lửa phóng ra dung nham và tro bụi, tạo nên những cảnh tượng vừa đẹp vừa nguy hiểm. Núi lửa hình thành chủ yếu do hoạt động của các mảng kiến tạo trên Trái Đất. Các mảng kiến tạo thường dịch chuyển và va chạm vào nhau, tạo nên áp lực khổng lồ bên dưới bề mặt. Khi áp lực đủ lớn, magma sẽ tìm đường thoát qua các khe nứt, tạo thành hiện tượng núi lửa. Đó là lý do tại sao núi lửa thường tập trung nhiều tại các ranh giới mảng kiến tạo, như ở Vành đai Lửa Thái Bình Dương. Hiện nay, có thể phân loại núi lửa thành 3 loại chính: núi lửa hoạt động, ngủ yên và đã tắt. Núi lửa hoạt động là núi lửa có khả năng phun trào thường xuyên, như núi Merapi ở Indonesia. Núi lửa ngủ yên là những ngọn núi chưa hoạt động trong thời gian dài nhưng vẫn có nguy cơ phun trào. Núi lửa đã tắt là những núi lửa không còn khả năng phun trào, ví dụ như núi Kilimanjaro ở châu Phi. Mặc dù núi lửa gây nguy hiểm nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Đầu tiên, dung nham núi lửa khi nguội đi tạo thành đất rất màu mỡ, phù hợp cho nông nghiệp. Ngoài ra, các khu vực núi lửa còn cung cấp các tài nguyên quý giá như lưu huỳnh, đồng và kim cương. Không những thế, núi lửa cũng góp phần phát triển du lịch, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng cảnh tượng núi lửa phun trào. Tuy nhiên, núi lửa hoạt động cũng mang lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Khi núi lửa phun trào, dung nham nóng có thể chảy xuống và phá hủy nhà cửa, cây trồng và đe dọa tính mạng con người. Tro bụi núi lửa bay vào không khí cũng có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là phổi. Nếu tro bụi quá dày, nó còn có thể che khuất mặt trời, gây ra hiện tượng “mùa đông núi lửa” và ảnh hưởng đến khí hậu. Hiện tượng núi lửa phun trào đã khiến con người phải nghiên cứu nhiều hơn về Trái Đất. Các nhà khoa học đang cố gắng dự báo các đợt phun trào để kịp thời sơ tán người dân, giảm thiểu thiệt hại. Việc hiểu rõ về núi lửa giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về sức mạnh của thiên nhiên, đồng thời cũng nhắc nhở con người cần phải bảo vệ môi trường. Núi lửa là một minh chứng cho thấy Trái Đất không ngừng biến đổi. Dù mang lại nhiều nguy hiểm, hiện tượng này cũng thể hiện sự sống động và sức mạnh của hành tinh chúng ta. Việc hiểu biết về núi lửa giúp chúng ta thêm yêu và trân trọng thiên nhiên, cũng như thấy rõ sự cần thiết của khoa học trong việc bảo vệ con người khỏi các thảm họa tự nhiên. |
Lưu ý: mẫu bài viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên núi lửa chỉ mang tính tham khảo.
Mẫu viết văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên núi lửa lớp 8? Yêu cầu về kĩ năng viêt của học sinh lớp 8? (Hình từ Internet)
Học sinh lớp 8 cần đạt những yêu cầu về kỹ năng viết nào?
Căn cứ mục V Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về những yêu cầu cần đạt về kỹ năng viết của môn Ngữ văn lớp 8 như sau:
- Quy trình viết
+ Biết viết văn bản bảo đảm các bước: chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, người đọc, hình thức, thu thập thông tin, tư liệu); tìm ý và lập dàn ý; viết bài; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.
- Thực hành viết
+ Viết được bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội đã để lại cho bản thân nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc, có dùng yếu tố miêu tả hay biểu cảm hoặc cả 2 yếu tố này trong văn bản.
+ Bước đầu biết làm một bài thơ tự do (sáu, bảy chữ). Viết được đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.
+ Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
+ Viết được bài phân tích một tác phẩm văn học: nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.
+ Viết được văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách; nêu được những thông tin quan trọng; trình bày mạch lạc, thuyết phục.
+ Viết được văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống.
Những kiến thức tiếng Việt nào được học ở môn Ngữ văn lớp 8?
Căn cứ mục V Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định về những kiến thức tiếng Việt được học ở môn Ngữ văn lớp 8 như sau:
- Nghĩa của một số thành ngữ và tục ngữ tương đối thông dụng
- Sắc thái nghĩa của từ ngữ và việc lựa chọn từ ngữ
- Từ tượng hình và từ tượng thanh: đặc điểm và tác dụng
- Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng (ví dụ: vô, hữu) và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt đó (ví dụ: vô tư, vô hình, hữu quan, hữu hạn)
- Trợ từ, thán từ: đặc điểm và chức năng
- Thành phần biệt lập trong câu: đặc điểm và chức năng
- Câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm; câu khẳng định và câu phủ định: đặc điểm và chức năng
- Biện pháp tu từ đảo ngữ, câu hỏi tu từ: đặc điểm và tác dụng
- Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
- Các đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp: đặc điểm và chức năng
- Kiểu văn bản và thể loại
+ Văn bản tự sự: bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội
+ Văn bản biểu cảm: thơ sáu chữ, bảy chữ; đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu, bảy chữ
+ Văn bản nghị luận: luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; bài thảo luận về một vấn đề của đời sống; bài phân tích một tác phẩm văn học
+ Văn bản thông tin: thông tin khách quan, ý kiến chủ quan và mục đích của văn bản; văn bản thuyết minh để giải thích một hiện tượng tự nhiên; bài giới thiệu một cuốn sách; văn bản kiến nghị
- Từ ngữ toàn dân và từ ngữ địa phương: chức năng và giá trị
- Biệt ngữ xã hội: chức năng và giá trị
- Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: hình ảnh, số liệu, biểu đồ,...