Loading

09:29 - 18/12/2024

Người bị truy nã trốn bao nhiêu năm thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Không bắt được người bị truy nã thì có xét xử được không?

Cho hỏi người bị truy nã trốn bao nhiêu năm thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Không bắt được người bị truy nã thì có xét xử được không?

Nội dung chính

    Người bị truy nã trốn bao nhiêu năm thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

    Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

    Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
    1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
    2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
    a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
    b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
    c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
    d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
    Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

    Như vậy, theo quy định như trên, trường hợp bị truy nã thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Cho nên, người bị truy nã dù có trốn truy nã bao lâu thì cũng sẽ không thoát tội và vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi bị bắt giữ hoặc đầu thú.

    Người bị truy nã trốn bao nhiêu năm thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Không bắt được người bị truy nã thì có xét xử được không?

    Người bị truy nã trốn bao nhiêu năm thì không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Không bắt được người bị truy nã thì có xét xử được không? (Hình từ internet)

    Không bắt được người bị truy nã thì có xét xử được không?

    Tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa như sau:

    Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa
    1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
    Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
    Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
    2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
    a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
    b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
    c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
    d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

    Theo đó, trong trường hợp bị cáo đã bỏ trốn mà việc truy nã không có kết quả thì tòa án được quyền xét xử vắng mặt bị cáo.

    Những ai có quyền bắt người bị truy nã?

    Tại Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về Bắt người đang bị truy nã như sau:

    Bắt người đang bị truy nã
    1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
    2. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
    3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

    Như vậy, theo quy định như trên, bất cứ ai cũng có quyền bắt người bị truy nã và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

    saved-content
    unsaved-content
    467
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ