Loading

15:34 - 05/11/2024

Người có hành vi làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

Sổ đỏ có các nội dung gì? Người có hành vi làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì? Làm sổ đỏ giả bị phạt bao nhiêu?

Nội dung chính

    Sổ đỏ có các nội dung gì?

    Căn cứ Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định mẫu Giấy chứng nhận:

    Mẫu Giấy chứng nhận

    1. Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:

    a) Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ; mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

    ...

    Sổ đỏ là tên gọi thông dụng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định, sổ đỏ có các nội dung sau:

    [1] Trang 1

    - Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ;

    - Mục "1. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen;

    - Dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

    [2] Trang 2

    - Mục "2. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú;

    - Ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận;

    - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;

    [3] Trang 3

    - Mục "3. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất";

    - Mục "4. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";

    [4] Trang 4

    - Nội dung tiếp theo của mục "4. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";

    - Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;

    [5] Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm:

    - Dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận";

    - Số hiệu thửa đất;

    - Số phát hành Giấy chứng nhận;

    - Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục "4. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4 của Giấy chứng nhận;

    Sổ đỏ có các nội dung gì?

    Người có hành vi làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì? (Hình từ Internet)

    Người có hành vi làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gì?

    Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a; điểm c khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

    Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    ...

    Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

    Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

    1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Phạm tội 02 lần trở lên;

    c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

    d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

    đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

    e) Tái phạm nguy hiểm.

    ...

    Theo quy định trên, người nào có hành vi làm sổ đỏ giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự các tội sau:

    Trường hợp 1: Làm sổ đỏ giả nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Người nào có hành vi làm giả sổ đỏ nhằm mục đích gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

    - Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    - Đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội sau nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:

    + Tội cướp tài sản

    + Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 

    + Tội cưỡng đoạt tài sản 

    + Tội cướp giật tài sản

    + Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 

    + Tội trộm cắp tài sản 

    + Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

    + Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

    - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Trường hợp 2: Làm sổ đỏ giả nhằm mục đích làm giả giấy tờ

    Người nào làm sổ đỏ giả thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

    Người phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm tùy theo mức độ vi phạm.

    Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Làm sổ đỏ giả bị phạt bao nhiêu?

    Căn cứ khoản 3; khoản 5 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất:

    Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất

    ...

    3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    ...

    5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    a) Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp và thực hiện lại thủ tục hành chính về đất đai theo quy định đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

    b) Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện theo quy định đối với trường hợp tại khoản 3 Điều này.

    Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền:

    Áp dụng mức phạt tiền

    1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:

    a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

    b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.

    ...

    Như vậy, người nào có hành vi làm sổ đỏ giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và hủy bỏ sổ đỏ làm giả.

    Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt của cá nhân.

    saved-content
    unsaved-content
    176