Loading

18:12 - 09/01/2025

Người nước ngoài có được yêu cầu công chứng tại Việt Nam không?

Người nước ngoài có được yêu cầu công chứng tại Việt Nam không? Người yêu cầu công chứng phải đáp ứng điều kiện gì? Tổ chức hành nghề công chức có quyền gì?

Nội dung chính

    Người nước ngoài có được yêu cầu công chứng tại Việt Nam không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
    Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng giao dịch theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
    2. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng và thực hiện một số việc chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.
    3. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng giao dịch theo quy định của Luật này.
    4. Văn bản công chứng là giao dịch bằng văn bản đã được công chứng theo quy định của Luật này.
    5. Hành nghề công chứng là việc công chứng viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Theo đó, người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng giao dịch. Vì vậy, người nước ngoài có thể yêu cầu công chứng tại Việt Nam.

    Lưu ý: Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

    Người nước ngoài có được yêu cầu công chứng tại Việt Nam không?

    Người nước ngoài có được yêu cầu công chứng tại Việt Nam không? (Hình từ Internet)

    Người yêu cầu công chứng phải đáp ứng điều kiện gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 49 Luật Công chứng 2024 quy định người yêu cầu phải đáp ứng điều kiện sau:

    - Người yêu cầu công chứng là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch mà mình thực hiện.

    - Người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó.

    - Người yêu cầu công chứng phải xuất trình đủ giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó.

    Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2, khoản 3 ĐIều 49 Luật Công chứng 2024 quy định về người làm chứng và người phiên dịch trong 02 trường hợp sau:

    (1) Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký được và không điểm chỉ được hoặc trong trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng

    Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời hoặc do công chứng viên chỉ định nếu người yêu cầu công chứng không mời được; trường hợp công chứng viên không chỉ định được người làm chứng thì từ chối công chứng.

    Người làm chứng phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp phải có người làm chứng theo quy định tại khoản này và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.

    Người làm chứng phải trực tiếp chứng kiến việc công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm chứng của mình.

    (2) Trường hợp người yêu cầu công chứng không thông thạo tiếng Việt hoặc là người khuyết tật nhìn, người khuyết tật nghe, nói thì phải có người phiên dịch

    Người phiên dịch do người yêu cầu công chứng mời và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phiên dịch của mình.

    Người phiên dịch phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu công chứng sử dụng hoặc là người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng.

    Người phiên dịch phải dịch đủ, chính xác nội dung giao dịch, nội dung trao đổi của công chứng viên với người yêu cầu công chứng về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch.

    Tổ chức hành nghề công chức có quyền gì?

    Căn cứ Điều 35 Luật Công chứng 2024 quy định tổ chức hành nghề công chức có các quyền sau:

    - Ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 37 LuậtCông chứng 2024 và người lao động khác làm việc cho tổ chức mình.

    - Thu phí công chứng, phí, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng, chi phí khác theo quy định của Luật Công chứng 2024 và luật khác có liên quan.

    - Cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

    - Được khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu có liên quan theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động công chứng.

    - Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    saved-content
    unsaved-content
    16
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ