Loading

19:20 - 18/12/2024

Quy định hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam hiện nay?

Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam gồm mấy cấp từ 01/7/2025? Quy định mới về công tác miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn từ 01/7/2025?

Nội dung chính

    Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam gồm mấy cấp từ 01/7/2025?

    Căn cứ theo Điều 8 Luật Công đoàn 2024 quy định như từ 01/7/2025 hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam gồm 04 cấp. Cụ thể như sau:

    (1) Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

    (2) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm:

    - Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh);

    - Công đoàn ngành trung ương;

    - Công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

    (3) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm:

    - Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương;

    - Công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

    - Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

    (4) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và xác định cấp công đoàn đối với công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở quyết định của Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

    - Mô hình tổ chức công đoàn được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật.

    - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện nội dung quy định tại khoản này.

    Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025

    Quy định hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam hiện nay?Quy định hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam hiện nay? (Hình từ Internet)

    Quy định mới về công tác miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn từ 01/7/2025?

    Theo quy định tại Điều 30 Luật Công đoàn 2024 thì việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như sau:

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.

    - Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.

    Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

    - Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều 30 Luật Công đoàn 2024.

    Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025

    Mức đóng kinh phí công đoàn cho người lao động hiện nay là bao nhiêu?

    Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP có quy định về mức đóng kinh phí công đoàn như sau:

    Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn
    Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
    Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

    Như vậy, mức đóng kinh phí công đoàn cho người lao động hiện nay là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

    Trong đó Quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội.

    Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào?

    Theo Điều 7 Luật Công đoàn 2024 quy định thì nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam như sau:

    - Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; hợp tác, phối hợp với người sử dụng lao động, đồng thời bảo đảm tính độc lập của tổ chức Công đoàn.

    - Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Lưu ý: Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.

    saved-content
    unsaved-content
    70
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ